Sau một thời gian dài vắng bóng trên các bục thuyết giảng trước công chúng, cựu Tổng thống Obama chấp nhận quay trở lại dưới ánh đèn sân khấu để “đánh một cú chót” hòng giúp Đảng Dân chủ không lặp lại nỗi đau thất bại 2016.

Cuối tuần qua, Donald Trump và Barack Obama lần đầu tiên đối đầu với nhau trong những khuôn màu chính trị không thể tương phản hơn. Trắng đấu với đen, hiện tại với quá khứ, một bên ôm mộng làm chủ Hạ viện, một bên quyết giữ vững thế thượng phong ở Thượng viện. Ông Obama gọi đây là cuộc bầu cử của “nhân cách Mỹ”, còn ông Trump kêu gọi cử tri quyết định có “tiếp tục sự thịnh vượng phi thường mà chúng ta đã tạo ra hay không?”

Cả hai dường như chỉ có điểm chung duy nhất khi công nhận nền kinh tế Mỹ đang vận hành rất tốt, nhưng lại bất đồng với nhau về ai là người có công cho thành tích kinh tế đó.

Obama 1
Ông Obama vận động cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018. (Ảnh chụp màn hình)

Mặc chiếc áo sơ mi trắng trong khi vận động tại bang Florida hôm thứ Sáu, ông Obama phô bày hết kỹ năng thuyết phục của mình như chính ông đang trong cuộc đua. Trong suốt 3 ngày cuối tuần, cựu Tổng thống nỗ lực giúp ứng viên đảng mình vận động cho cuộc đua tái chiếm Hạ viện và các vị trí Thống đốc bang Hoa Kỳ. 

Obama gọi Trump và những thành viên Đảng Cộng hòa là “những kẻ lừa đảo trắng trợn”, những kẻ mị dân bằng cách dùng những người Trung Mỹ đói nghèo, ốm yếu đang đi bộ lên biên giới Mỹ làm con cờ chính trị. Ông gọi đây là cuộc bầu cử để xác định “nhân cách Mỹ”, và kêu gọi cử tri hãy bầu cho những con người liêm khiết, trung thực và có phẩm giá.

Nói về kinh tế, ông Obama cũng không quên nhận công của mình khi nền kinh tế nước nhà đang ở trạng thái tốt đẹp nhất trong vài chục năm qua.

“Các bạn nghe những người đảng Cộng hòa kia khoe khoang rằng nền kinh tế tốt đẹp như thế nào, quý vị thử nghĩ xem điều đó bắt đầu từ đâu?”

Ở bang Tennessee hôm Chủ nhật, ông Trump mặc bộ vest đen quen thuộc, vận động cho các ứng viên Thượng nghị sĩ và Thống đốc bang của Đảng Cộng hòa. Ông ca ngợi cuộc phục hồi kinh tế mà Mỹ đã đạt được 2 năm qua dưới chính quyền của ông, và hỏi đám đông những người ủng hộ bên dưới liệu “các bạn có muốn phe phản kháng mang những thành tích này đi không?”

trump tennesse
Donald Trump vận động tại bang Tennessee (Ảnh: Youtube)

“Chúng ta có một nền kinh tế nóng nhất hành tinh”, ông Trump nói.

“Đang có điện trong không khí. … Chúng ta đang phá mọi kỷ lục trong lịch sử đất nước chúng ta”.

Ông cảnh báo rằng nếu để cho ứng viên cực tả của Đảng Dân chủ giành thắng lợi, bang Tennessee sẽ chẳng mấy chốc mà biến thành Venezuela và làm cho “việc làm biến mất như làm ảo thuật”. Ông chỉ trích Đảng Dân chủ là một đảng ca ngợi chủ nghĩa xã hội, muốn xóa bỏ biên giới và để nhập cư phi pháp tràn vào khắp nước Mỹ, một “nghị trình của phe cấp tiến để thực thi thuế cao và nhiều tội phạm”.

Thứ Sáu tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 10 có kết quả vượt kỳ vọng, với tỷ lệ thất nghiệp 3,7%, tiếp tục ở mức thấp nhất trong 49 năm và tiền lương nhích dần lên mức cao nhất trong gần 10 năm qua.

Liên tục xuất hiện trong những giờ cuối cùng trước cuộc bầu cử, Trump và Obama là 2 nhân vật nổi bật nhất trong 2 Đảng chính trị của Hoa Kỳ hiện nay. Một người là sức mạnh hiện tại, một người là hào quang quá khứ. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do đài Fox News tiến hành, “Tổng thống Donald Trump” đứng vị trí số 3 trong danh sách các vấn đề cực kỳ quan trọng đối với cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội này, chỉ sau Y tế và Kinh tế.

Một Đảng chia rẽ

Một điều đáng ngạc nhiên là Đảng Dân chủ hiện nay mới là một đảng bị chia rẽ nhiều nhất chứ không phải Đảng Cộng hòa. Đảng này hiện đang phải loay hoay tìm con đường bước đi và mù mịt trong đường hướng lãnh đạo. Sự thất bại không ai (trong số họ) có thể tin được của bà Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đã tạo ra khoảng trống đến tận bây giờ vẫn không lấp đầy được trong giới lãnh đạo của Đảng Dân chủ Mỹ.

Thực tế rằng Đảng Dân chủ phải nhờ đến cựu Tổng thống Obama, một người mà sự nghiệp chính trị đã kết thúc, ra mặt để đối đầu với ông Trump là một lời nhắc nhở phũ phàng rằng họ đang phải chèo kéo vào một chút hào quang còn sót lại từ quá khứ. 2 năm sau thất bại, Đảng Dân chủ vẫn không tìm đâu được một lãnh đạo tiềm năng, đủ sức vóc và tín nhiệm để đối đầu với ông Trump trong cuộc bầu cử 2020 tới. Chính vì thế, quyết tâm chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này không những là then chốt, mà còn là một động lực sống còn để giúp Đảng này đối mặt với cuộc bầu cử 2 năm nữa.

Đến hẹn lại lên, trước mỗi cuộc bầu cử, các kênh thông tấn lại liên tiếp công bố các dự đoán của chuyên gia cùng kết quả thăm dò dư luận. Giống như cuộc bầu cử 2016, lần này Đảng Dân chủ lại được đánh giá cao hơn. Các hãng thông tấn dự đoán một “cơn sóng xanh” sẽ xuất hiện vào ngày mai và đưa Đảng Dân chủ quay trở về vị thế quyền lực trong Quốc hội.

Tuy vậy trên thực tế, Đảng Cộng hòa cũng có rất nhiều lợi thế. Đảng Cộng hòa có một thành tích kinh tế tuyệt vời nhất trong hàng chục năm, một Tòa Án tối cao với 5 vị Thẩm phán bảo thủ và một Tổng thống đang có điểm số tín nhiệm ngày càng tốt hơn. “Cơn sóng Đỏ” của Donald Trump dù đang bị lờ đi bởi các kênh truyền thông chính thống, nhưng hoàn toàn có khả năng lặp lại “kỳ tích” của năm 2016.

Trọng Đạt

Xem thêm: