Đúng như dự đoán của giới truyền thông, Đảng Nhân Dân cầm quyền của ông Hun Sen (CPP) đã tuyên bố chiến thắng trong một cuộc bầu cử mà đối thủ “nặng ký” duy nhất đã bị “xử lý” từ tháng 11 năm ngoái.

Người dân Campuchia đi bỏ phiếu bầu Quốc hội vào ngày 29/7 dưới áp lực bị chính quyền đe dọa sẽ trừng phạt nếu “phản đối”. Các tổ chức nhân quyền nói rằng đây là một cuộc bầu cử phi dân chủ và không tự do, trong khi phe đối lập chủ yếu đang lưu vong thì chỉ trích cuộc bầu cử “giả hiệu” và kêu gọi tẩy chay.

Ông Sok Eysan, phát ngôn viên của CPP, nói rằng đảng của ông đã giành được khoảng 100 trong số 125 ghế tại quốc hội.

CPP đã giành được 80% số phiếu và chúng tôi ước tính rằng chúng tôi sẽ giành không dưới 100 ghế”, ông Sok Eysan nói, theo Reuters.

Embed from Getty Images

Ủy ban Bầu cử Quốc gia NEC cho hay họ vẫn tiếp tục công bố tỷ lệ bỏ phiếu, và các kết quả chính thức sẽ có vào giữa tháng Tám.

Reuters dẫn lời NEC nói tại một cuộc họp báo rằng tỷ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục, đạt tới 80,49%. Con số trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013 là 69,61%.

“Tổng số người đi bầu là 6,74 triệu, tức 80,49%. Đây là thành công của cuộc bầu cử”, Chủ tịch NEC Sik Bun Hok, nói trong cuộc họp báo trên truyền hình. 8,3 triệu người đăng ký đi bầu hôm 29/7.

“Lần này cao hơn. Campuchia nên tự hào”, ông Hok nói thêm. 

Các nhà phân tích nói rằng tỷ lệ đi bỏ phiếu sẽ là thử thách quan trọng cho tính chính đáng của ông Hun Sen, theo BBC. Trong khi vận động, những người ủng hộ phe đối lập kêu gọi cử tri tẩy chay bỏ phiếu đã bị cáo buộc tội kích động.

Trước hôm bầu cử 2 ngày, chính quyền Campuchia đã lệnh cho các nhà mạng phải chặn các tờ báo độc lập, trong đó có RFA, VOA và Voice of Democracy cũng như nhiều tờ báo tiếng Anh khác.

Tổ chức giám sát nhân quyền Human Rights Watch thì lên án tình trạng Phnom Penh đe dọa ép người dân đi bầu để đạt thành tích tỷ lệ bỏ phiếu cao.

Giám đốc Châu Á của tổ chức này, ông Phil Robertson nói: “Chính phủ Campuchia đang nỗ lực hết sức để tìm mọi cách bắt người dân đi bầu. Họ có thể biết rõ ràng được ai là người đã bầu, còn ai không nhờ có dấu mực trên ngón tay”.

“Thật mỉa mai khi chúng ta thấy thủ tục bảo vệ lá phiếu bầu cử cố gắng ngăn chặn người bỏ phiếu hai lần lại bị lợi dụng để trừng phạt những người không muốn bỏ phiếu.”

ngon tay 2
Dấu mực trên ngón tay chứng tỏ cử tri đã đi bỏ phiếu.

HRW đã nhận được nhiều báo cáo cho rằng nhiều đại diện của chính phủ ở địa phương đã nói với người dân rằng nếu họ không đi bầu thì sẽ mất quyền hưởng dịch vụ công như làm giấy khai sinh hoặc gia hạn căn cước.

Người đi lao động thuê thì được chủ thông báo rằng nếu họ không đi bầu cử sẽ bị sa thải, theo BBC.

Tháng 11 năm ngoái, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) – đảng đối lập lớn nhất của CPP đã từng đạt tới 44,5% phiếu bầu hồi 2013 – đã phải giải thể theo lệnh của Tòa án Tối cao. Điều này khiến cho chiến thắng của CPP gần như chắc chắn, đồng thời kéo dài thêm thời gian lãnh đạo Campuchia đã 33 năm của ông Hun Sen.

Trong một phát ngôn trên Facebook, cựu lãnh đạo đang sống lưu vong ở nước ngoài của CNRP, ông Sam Rainsy viết: “Kết quả của cuộc bầu cử giả tạo này vốn được tiến hành trong một môi trường kinh sợ là sự phản bội ý chí của nhân dân”.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen từ lâu đã bị chỉ trích là sử dụng công cụ như tòa án và lực lượng an ninh để đàn áp người bất đồng và đe dọa phe đối lập. Tuy nhiên theo BBC, ông Hun Sen lại cho phép một mức độ đối đầu chính trị trong đảng CPP của mình.

Tuy nhiên cuộc bầu cử này đã đánh dấu “cái chết” của nền dân chủ tại Campuchia, Phó Chủ tịch của Đảng Cứu quốc Campuchia Mu Sochua nói với BBC.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: