Không nhiều người biết rằng khi mâu thuẫn leo thang giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn ngày càng dâng cao, họ vẫn liên tục tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức. Vậy những cuộc đối thoại hậu trường này diễn ra khi nào và có thực sự đem lại hiệu quả?

Embed from Getty Images

Đại diện Bắc Hàn ông Kim Kye Gwan (thứ ba từ trái sang) tham gia cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 12/2008.

Vào ngày 25/9/2013, tại thủ đô Berlin của Liên bang Đức, các quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên và các cựu quan chức Hoa Kỳ cùng sải bước vào một nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực bản địa. Khi đó, hai bên đã có những cuộc nói  chuyện ban đầu qua lại, hỏi thăm về tình hình gia đình của nhau.

Mặc dù những người tham gia của cả hai bên đều là những nhân vật nổi tiếng, nhưng việc duy trì bảo mật thông tin không phải là vấn đề. Lực lượng an ninh được bố trí chặt chẽ xung quanh khách sạn, nơi có nhà hàng mà phái đoàn hai bên gặp gỡ và những người tham gia trong các cuộc hội đàm này hiếm khi đi ra ngoài tòa nhà.

Những cuộc đối thoại dạng này thường bắt đầu với một bữa tối ngon miệng, tiếp theo là một ngày thảo luận giữa hai bên. Mặc dù những người tham gia bên phía Bắc Hàn đẩy mạnh việc giải thích về lập trường chính thức của chính quyền của họ, nhưng các đối tác Hoa Kỳ cảm thấy hữu ích khi nhận được các thông tin làm rõ hơn về chế độ Bắc Triều Tiên.

Việc không có quan hệ ngoại giao chính thức giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, cùng với những hạn chế tối đa về dòng thông tin liên quan chế độ nhà họ Kim, khiến cho chế độ Bình Nhưỡng trở thành một trong những quốc gia khó nắm bắt nhất đối với Washington.

Cuộc gặp mặt tại Berlin kể trên chỉ là một ví dụ cho nhiều cuộc đối thoại giữa hai nước Mỹ – Triều đã diễn ra trong hàng thập kỷ qua.

Geneva, London và Kuala Lumpur đã từng là những nơi tổ chức các cuộc hội đàm dạng này trong quá khứ. Những cuộc gặp này được đặt tên là “Track 1,5” vì phái đoàn phía Bắc Hàn đều là các quan chức chính phủ đương nhiệm, nên họ coi đó là cuộc họp chính thức hay Bình Nhưỡng vẫn coi là Track 1; nhưng phía Hoa Kỳ, những người tham gia chỉ là các cựu quan chức hoặc các chuyên gia, học giả nên chính quyền Hoa kỳ chỉ coi đây là các cuộc đàm phán không chính thức, hay gọi là Track 2.

Trong vài tháng gần đây, Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã gia tăng các cuộc khẩu chiến căng thẳng. Khi mâu thuẫn tăng lên trên báo đảo Triều Tiên, các cuộc đối thoại không chính thức giữa hai nước lại càng được quan tâm.

Các chuyên gia tin rằng những cuộc thảo luận hậu trường này có thể đóng vai trò như một bước tiến để hướng tới các cuộc hội đàm chính thức về phi hạt nhân hóa. Bởi vậy, tất cả con mắt đều đang đổ dồn vào vòng đàm phán của cuộc hội đàm không chính thức sắp tới – dự kiến sẽ diễn ra bên lề hội nghị không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Moscow, Nga trong tuần này.

Cuộc đối thoại sắp tới như thường lệ phía Bắc Hàn vẫn là các quan chức chính quyền đương chức, trong khi phía Mỹ chỉ cử các cựu quan chức và các chuyên gia, học giả.

Cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman, nhà khoa học hạt nhân Siegfried Hecker và Tổng giám đốc về các vấn đề Bắc Mỹ của Bắc Hàn Choi Sun-hee được cho là sẽ có mặt trong cuộc đàm phán không chính thức Mỹ – Triều tại Moscow tuần này.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân ảnh hưởng tới các cuộc đối thoại thế nào?

Câu hỏi đặt ra là các cuộc đối thoại sắp tới liệu có phản ánh thái độ đối nghịch giữa hai nước tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm nay? Và những người Mỹ từng có nhiều năm tham gia các cuộc nói chuyện dạng này có cách nghĩ khác. Thực tế, thái độ của giới chức Bắc Hàn dường như khá mềm mỏng khi tiếp xúc với các chuyên gia tới từ Washington.

Ông Douglas Paal, hiện đang làm việc tại tổ chức Hòa Bình Thế giới, cho biết vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên giao tiếp với các quan chức Bắc Hàn với tư cách là công dân nước Mỹ.

Ông Paal đã gặp các quan chức của Bắc Hàn đại diện ở Liên Hiệp Quốc tại Washington, DC vào năm 1994. Ông không thể hiện danh phận là giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia của chính phủ Mỹ. Lúc đó với tư cách chuyên gia về Châu Á đã về hưu, ông Paal đã không thích giọng điệu đe dọa của các nhà chức trách Bình Nhưỡng.

Khi họ thúc giục tôi hãy tới thăm đất nước của họ, tôi đã nói rằng: ‘Tôi sẽ không ngồi ở đây và để cho quý vị đe dọa tôi và đất nước tôi’, và bỏ đi”, ông Paal kể lại.

Kể từ sau đó, những người tham gia trong phái đoàn Bắc Triều Tiên dường như tin rằng họ đã đạt được một số đòn bẩy trong việc đưa các chuyên gia Mỹ đến bàn đàm phán.

Ông Paal nói tiếp: “Quan điểm của tôi là chúng ta đã thấy được sự tiến bộ đáng kể của Bắc Triều Tiên trong các chương trình hạt nhân và tên lửa, khiến chúng ta đang ở một điểm mới trong đàm phán với họ”.

Cho đến gần đây, nhiều người tin rằng Bắc Triều Tiên chưa có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Nhưng dựa trên các báo cáo truyền thông mới nhất, dẫn nguồn từ các viên chức tình báo Hoa Kỳ, Bắc Hàn có thể đã đạt được năng lực đó trong năm 2017 này.

Họ đang sử dụng ngôn từ ôn hòa để cản trở cuộc đối thoại”, ông Paal nói về cách tiếp cận mềm mỏng của người Bắc Hàn với các chuyên gia Mỹ trong cuộc đàm phán không chính thức gần nhất.

Cũng giống như ông Paal, phần lớn các cựu quan chức Hoa Kỳ tham gia vào cuộc đối thoại hậu trường với Bắc Hàn đã từng ở trong một vòng lặp đi lặp lại trong vòng một, hai thập kỷ qua. Trên thực tế, một người tham gia đàm phán lâu năm, ông Joel Wit, hiện là thành viên cao cấp tại Học viện Mỹ – Triều Tiên, cho biết ông không còn nhớ lần đầu tiên ông tham gia vào các cuộc thảo luận đó.

Các cuộc đối thoại gần nhất diễn ra khi nào?

Từ đầu năm đến nay, hai nước Mỹ – Triều đã tiến hành được ba cuộc hội đàm không chính thức.

Cuộc gặp đầu tiên diễn ra hồi tháng 1 khi bắt đầu nhiệm kỳ của chính quyền Trump.

Tôi nghĩ người Bắc Hàn quan tâm và có thể bị kích thích bởi những điều [Tổng thống Trump] đã nói trong chiến dịch tranh cử của ông – về giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, có một chiếc bánh hamburger với ông Kim Jong-un và cải thiện các cuộc đàm phán của những người tiền nhiệm”, ông Paal cho biết.

Một cuộc đối thoại khác diễn ra hồi tháng 5, theo sau các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng xem các màn diễn tập chiến tranh như một cuộc tập dượt cho trận chiến xâm lược đất nước của họ.

Cuộc đàm phán không chính thức Mỹ – Triều gần đây nhất diễn ra vào tháng 8, sau khi liên quân Mỹ – Hàn Quốc lặp lại các cuộc tập trận tương tự hồi tháng 5.

Các yếu tố để cuộc hội đàm thành công?

Những người trong cuộc đối thoại nói rằng điều quan trọng là phải duy trì các cuộc đối thoại song phương, nghĩa là không có nước nào khác tham gia vào các cuộc đàm phán này ngoài Mỹ và Bắc Triều Tiên. Họ tin rằng một cách tiếp cận hợp lý đối với các cuộc họp này sẽ thúc đẩy một môi trường tốt mà trong đó những người tham gia có thể khám phá những ý tưởng khác nhau. Họ cũng khuyến nghị nên giữ bí mật cho các cuộc đàm phán này vì các lý do tương tự.

Ông Joel Wit nói: “Điều quan trọng bởi vì mọi người cảm thấy sau đó họ có thể được thể hiện những gì họ đang suy nghĩ và bay bổng với tư duy”.

Những cuộc đối thoại hậu trường dạng này sẽ vẫn tiếp tục, bất chấp gần đây có thông tin từ một nhà lập pháp Hàn Quốc cho rằng những cuộc gặp không chính thức giữa Mỹ và Bắc Hàn sẽ chấm dứt.

Đầu tháng này, nghị sĩ Choung Byoung-gug của Đảng Bareun theo đường lối bảo thủ của Hàn Quốc đã nói rằng các quan chức Hoa Kỳ đã rút lui khỏi các cuộc đàm phán không chính thức sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu hồi đầu tháng 9.

Bình luận này được đưa ra sau khi ông Choung gặp mặt những người đồng cấp và các chuyên gia Mỹ tại Thủ đô Washington, DC vào đầu tháng 10 vừa qua.

Tuy nhiên, cả chính phủ Mỹ và các chuyên gia, những người đã từng tham gia vào cuộc đàm phán không chính thức với Bắc Hàn đều phủ nhận việc các cuộc đàm phàn này đã dừng lại.

Trong một email gửi BBC, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Heather Nauert đã nói rằng: “Các nhà ngoại giao Mỹ đã có nhiều kênh mở để có thể liên lạc với các quan chức bên trong chế độ Bắc Triều Tiên”.

Tuy nhiên, bà Nauert nói thêm rằng: “Các quan chức Bắc Hàn chưa cho thấy dấu hiệu họ quan tâm hoặc sẵn sàng đàm phán chính thức liên quan đến phi hạt nhân hóa”.

Nhiều chuyên gia Mỹ đồng ý rằng sẽ cần có một khoảng thời gian nữa trước khi Washington và Bình Nhưỡng có thể tham gia vào các cuộc đối thoại chính thức nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hoa Kỳ đang đợi các biện pháp chế tài kinh tế bổ sung vừa áp đặt lên Bắc Hàn phát huy tác dụng, trong khi phía Bình Nhưỡng lại hy vọng phát triển hơn nữa chương trình hạt nhân để đạt được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán.

Trong thời gian chờ đợi, cuộc thảo luận hậu trường vẫn sẽ là lựa chọn tốt nhất tiếp theo để duy trì đối thoại giữa quốc gia hùng mạnh nhất và quốc gia bí ẩn nhất thế giới.

Tân Bình/ Theo BBC

Xem thêm: