Sự kiện bỏ phiếu bãi nhiệm Thị trưởng Cao Hùng Hàn Quốc Du đã được thông qua. Truyền thông Mỹ đưa tin, ông Hàn Quốc Du – một trong những nhân vật chính trị thân ĐCSTQ nhất tại Đài Loan bị bãi nhiệm, là cuộc thất bại thứ hai trong vòng 5 tháng của những nhân sĩ chủ trương thái độ buông lỏng đối với Bắc Kinh.

Ông Hàn Quốc Du (Ảnh: CNA)
Ông Hàn Quốc Du (Ảnh: CNA)

Truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin, việc ông Hàn Quốc Du bị bãi nhiệm càng là một cú đánh mạnh hơn cho Quốc dân đảng sau thất bại bầu cử Tổng thống. Còn có kênh truyền thông Nhật Bản nhận định, kết quả có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ hai bờ eo biển. Hôm 7/6, ông Trần Hoằng Tôn – cựu Phó Chủ tịch Hội đồng huyện Đài Đông, hiện là nghị viên Hội đồng huyện, tuyên bố rằng, ngay trong ngày ông sẽ thoái xuất khỏi Quốc dân đảng, chủ yếu là vì ông cảm thấy thất vọng và đau lòng trước những hiện tượng hỗn loạn trong thời gian dài của Quốc dân đảng từ trung ương cho đến địa phương.

WSJ: Phe thân ĐCSTQ tiếp tục thất bại

Kết quả kiểm phiếu trong cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Thị trưởng thành phố Cao Hùng hôm 6/6 cho thấy, số phiếu đồng ý bãi nhiệm ông Hàn Quốc Du là 939.090 phiếu, phiếu không đồng ý là 25.051 phiếu, do đó việc bãi nhiệm đã được thông qua. Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin về việc này cho biết, số cử tri có quyền bỏ phiếu ở các huyện thành phố Cao Hùng vào khoảng 2,3 triệu người, trong đó có khoảng 42% đi bỏ phiếu, tỷ lệ bỏ phiếu bãi nhiệm cao một cách bất thường.

Bản tin còn nói, trong hai cuộc bầu cử gần đây, ông Hàn Quốc Du đều đã thất bại. Trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng Một, ông Hàn Quốc Du đại diện cho Quốc dân đảng tham gia tranh cử đã không đánh bại được bà Thái Anh Văn của Đảng Dân tiến. Hiện nay cử tri Cao Hùng lại thông qua bỏ phiếu bãi nhiệm để bãi miễn ông Hàn Quốc Du, khiến ông trở thành thị trưởng đầu tiên bị bãi nhiệm trong lịch sử Đài Loan, đồng thời cũng là người đứng đầu cấp cao nhất bị cử tri bãi nhiệm.

Bản tin còn chỉ ra, vận mệnh chính trị của ông Hàn Quốc Du có thể gọi là trải qua sự chuyển biến to lớn. Trong chưa đầy 2 năm,  ông đã giành được ghế Thị trưởng, đánh tan nơi được gọi là “trái tim chính trị” của chính đảng của bà Thái Anh Văn, từ đó trải đường cho bản thân ông tham gia tranh cử Tổng thống Đài Loan.

Bản tin cho biết, ông Hàn Quốc Du từng là thành viên Hội đồng Lập pháp thuộc Quốc dân đảng, trong 10 năm qua chưa hề được chú ý đến. Nhưng năm 2018, ông Hàn đã thông qua cam kết dân túy, và phong cách có gì là nói thẳng ra, nên đã thu hút được cử tri là công nhân, cũng như nắm chắc được sự bất mãn của dân chúng ở Cao Hùng đối với việc kinh tế bị đình trệ, từ đó xây dựng bản thân thành người có thể mang đến thay đổi thiết thực và khôi phục thương mại kinh tế với Bắc Kinh.

Việc ông Hàn Quốc Du đã thắng trong cuộc bầu cử Thị trưởng, khiến ông trở thành “con cưng” của Quốc dân đảng, cũng khiến ngoại giới nghi ngờ về tỷ lệ thành công trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Thái Anh Văn. Năm ngoái, ông Hàn đã thăm Trung Quốc Đại Lục thúc đẩy thương mại, gặp mặt Chủ nhiệm Văn phòng vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện và Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Hồng Kông.

Tuy nhiên, bản tin của WSJ chỉ ra, cùng với việc Hồng Kông bùng nổ phong trào biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ vào mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh hy vọng tại Đài Loan cũng có thể thực thi “một quốc gia, hai chế độ”, từ đó làm tăng thêm lo lắng của người dân Đài Loan về việc Bắc Kinh có thể xâm chiếm Đài Loan.

Trong bối cảnh này, WSJ cho biết, mối quan hệ giữa ông Hàn Quốc Du và Bắc Kinh quá hòa hợp, ngược lại lại bất lợi cho cuộc tranh cử Tổng thống của ông. Cuối cùng, cử tri Đài Loan không màng đến cam kết tranh cử mà ông Hàn Quốc Du đưa ra (muốn thông qua hai bờ eo biển để sáng tạo kinh tế phồn vinh), chuyển sang ủng hộ Tổng thống Thái Anh Văn (với cam kết sẽ đối kháng lại sức ảnh hưởng của Bắc Kinh), từ đó giúp bà Thái tiếp tục có nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai, và giúp Đảng Dân tiến tiếp tục giành được quá bán số ghế trong Viện Lập pháp.

Truyền thông Nhật: Cú đánh mạnh hơn vào Quốc dân đảng

Theo NHK Nhật Bản, đoàn thể người dân thành phố Cao Hùng cho rằng, ông Hàn Quốc Du với lập trường thân ĐCSTQ, sau khi trúng cử Thị trưởng Cao Hùng không lâu liền tranh cử Tổng thống, bỏ lỡ chức vụ Thị trưởng, cho nên mới bị bãi miễn. Bản tin chỉ ra, tháng Ba năm nay, ông Giang Khởi Thần – người yêu cầu loại bỏ hình tượng thân ĐCSTQ – nhậm chức Chủ tịch Quốc dân đảng, nhưng so sánh với chính phủ của bà Thái Anh Văn – có công trong phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, thì tỷ lệ ủng hộ Quốc dân đảng vẫn thấp, cho nên việc ông Hàn Quốc Du bị bãi nhiệm cũng là cú đánh mạnh vào Quốc dân đảng.

Tờ Tin tức Kinh tế Nhật Bản (Nikkei) đưa tin, ông Hàn Quốc Du lấy đường lối thân ĐCSTQ, đại diện cho Quốc dân đảng tham gia tranh cử Tổng thống nhưng thất bại, hiện giờ chức Thị trưởng Cao Hùng cũng bị đòi lại. Điều này đã phản ánh rằng, tình cảm chính trị của Đài Loan cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề Dự luật Dẫn độ Hồng Kông nên người dân Đài Loan có sự cảnh giác mạnh mẽ với Bắc Kinh, đối với phe thân ĐCSTQ mà nói thì là không thuận buồm xuôi gió.

Bản tin còn phân tích, người dân Đài Loan phần lớn cho rằng, nếu thống nhất với Đại Lục thì rất có khả năng bước lên vết xe đổ của Hồng Kông, nên tâm lý phòng bị của họ tăng mạnh, khiến cho ông Hàn Quốc Du đại bại trong bầu cử. Bắc kinh gần đây còn cưỡng chế thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, sự phản cảm của Đài Loan đối với Bắc Kinh càng mạnh hơn. Việc bãi nhiệm ông Hàn Quốc Du phần lớn là được thúc đẩy bởi lớp người trẻ tuổi có sự đề phòng cao với Bắc Kinh, do ảnh hưởng của vấn đề Hồng Kông nên không khí của hoạt động bãi nhiệm sôi nổi hơn, khiến cho số phiếu tán thành bãi nhiệm tăng mạnh.

Đau lòng và thất vọng với Quốc dân đảng, nghị viên Hội đồng huyện Đài Đông Trần Hoằng Tôn ra khỏi đảng

Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), sĩ khí của Quốc dân đảng đã tổn thương lớn do ông Hàn Quốc Du bị bãi nhiệm. Ông Trần Hoằng Tôn (Chen Hung-tsung) hôm 7/6 tuyên bố rút khỏi Quốc dân đảng, ông từng là Phó Chủ tịch Hội đồng huyện Đài Đông khóa 17, 18.

Nội dung mà ông Trần Hoằng Tôn công bố cho biết: “Bắt đầu từ hôm nay (7/6) tôi sẽ ra khỏi Trung Quốc Quốc dân đảng, dùng thân phận vô đảng phái tiếp tục công việc phục vụ hương thân yêu mến trên mảnh đất thân yêu này.”

Ông chỉ ra, năm 1975, khi ông học năm thứ nhất cao trung (tương đương lớp 10), ôm hoài bão và nhiệt huyết tham gia Trung Quốc Quốc dân đảng, thề đi theo bước chân đảng, trung thành vì quốc gia, và sức mạnh này đã giúp ông không sợ gian khổ, một mạch tiến về phía trước. Sau khi thành gia lập nghiệp, kinh doanh có thành tựu, trở lại cố hương hằng mong nhớ – trấn Quan Sơn, bắt đầu đầu tư vào ngành du lịch và nghỉ dưỡng, tự nghĩ làm thế nào để báo đáp người dân, giúp họ có cuộc sống tốt hơn.

Ông Trần Hoằng Tôn cho biết, hiện nay ông đưa ra quyết định rút lui khỏi đảng, điều không thể giấu giếm là vì ông cảm thấy đau lòng và thất vọng vì những hiện tượng hỗn loạn trong thời gian dài của Quốc dân đảng từ trung ương đến địa phương. Cảm giác bất lực ngày càng gia tăng, ông đã suy nghĩ kỹ và lựa chọn rời khỏi đảng, giúp cho bản thân có không gian rộng hơn để phục vụ dân chúng và lắng nghe dân ý.

Trí Đạt

Xem thêm: