Các tổ chức truyền thông Úc hôm thứ Hai (21/10) đã đồng loạt triển khai chiến dịch “Quyền được biết” kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison bảo tệ tốt hơn quyền tự do báo chí. Động thái này diễn ra sau khi chính phủ tổ chức hàng loạt các cuộc bố ráp vào văn phòng một đài truyền hình quốc gia và nhà riêng của phóng viên hồi tháng Sáu.

Theo BBC, các nhà xuất bản báo chí, đài truyền hình và các tập đoàn truyền thông lớn tại Úc, trong đó có News Corp, Nine Newspapers và Seven West Media đều đã đoàn kết tham gia chiến dịch “Quyền được biết” để yêu cầu chính phủ bảo vệ các nhà báo và người tố giác tốt hơn.

Chiến dịch “Quyền được biết” yêu cầu chính phủ Úc phải thay đổi một số luật đang hình sự hóa báo chí và trừng phạt người tố giác.

Để thu hút sự chú ý, các tờ nhật báo Úc hôm thứ Hai (21/10) đã đồng loạt xuất bản các ấn phẩm báo chí bôi đen nội dung trang nhất thể hiện tài liệu được chính phủ xếp loại tài liệu mật, ám chỉ giới chức đang thắt chặn kiểm soát tự do báo chí.

Tờ Sydney Morning Herald đã kêu gọi “cải cách luật đáng kể để ngăn chặn đàn áp thông tin”, trong khi tờ nhật báo The Australian đã nói về “cuộc tấn công đáng kể vào các quyền của nhà báo”.

Chiến dịch kêu gọi tự do báo chỉ bùng phát sau sự vụ hồi tháng Sáu khi cảnh sát liên bang Úc tiến hành bố ráp văn phòng một đài truyền hình quốc gia và nhà riêng của một nhà báo để tìm kiếm các tài liệu chính phủ bị rò rỉ.

Sau đó, một luật sư quân đội đã bị buộc tội rò rỉ bí mật quốc gia và một số nhà báo có thể cũng đã bị buộc tội tương tự, theo DW.

Chiến dịch “Quyền được biết” đang kêu gọi 6 thay đổi pháp lý, chẳng hạn như một hệ thống giới hạn tài liệu nào có thể được gắn nhãn “bí mật” và quyền phản đối lệnh khám xét.

Nhiều cư dân Úc thông qua mạng xã hội đã bày tỏ sự ủng hộ chiến dịch của các tổ chức báo chí. “Đã đến lúc có một chiến dịch phối hợp để chống lại Nhà nước Bí mật,” một người dùng trên Twitter viết.

Một người khác bày tỏ: “Thật tốt khi thấy các hãng truyền thông của đất nước này gắn kết với dân chủ. Tự do báo chí là quan trọng. Đã đến lúc phải đứng lên vì tự do được phản kháng, bảo vệ những người tố giác và những quyền dân chủ quan trọng khác.

Giám đốc điều hành đài truyền hình ABC nói trong tuyên bố phát đi hôm 21/10 cho hay: “Úc đang có nguy cơ trở thành nền dân chủ bí mật nhất thế giới.

Trong khi đó, Chủ tịch điều hành của News Corp Australia, ông Michael Miller đăng tweet về hình ảnh các tờ báo che nội dung trang nhất, kèm đề xuất: “Người Úc nên hỏi, ‘họ [chính phủ] đang cố gắng che giấu chúng ta điều gì?’

Bà Lisa Davies, quản lý của Nine newspapers, chủ quản của Sydney Morning Herald và The Age, cũng đăng tweet với hình ảnh các trang nhất bôi đen, kèm thông điệp: “Đây không phải là chiến dịch cho các nhà báo, đây là vì nền dân chủ Úc.

BBC cho biết Bộ trưởng Thông tin Úc Paul Fletcher hôm 21/10 từ chối bình luận về chiến dịch phản khảng của báo giới. Trước đó, chính phủ Úc đã nói rằng tự do báo chí là “nguyên tắc nền tảng”.

Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm Chủ Nhật (20/10) cho biết tự do báo chí là quan trọng với nền dân chủ Úc, nhưng ông cũng nói thêm rằng “pháp luật” cần phải được duy trì.

Tôi cũng tin vào luật pháp và rằng không ai đứng trên nó, bao gồm cả tôi hoặc bất kỳ ai khác, bất kỳ nhà báo nào. Pháp luật phải được áp dụng đồng đều và công bằng để bảo vệ nền tự do rộng lớn hơn của chúng ta,” Thủ tướng Morrison nói.

Xuân Thành

Xem thêm: