Chính phủ Mỹ hôm thứ Tư (13/3) đã phát hành “Báo cáo Quốc gia về Thực thi Nhân quyền” thường niên, ghi nhận tình trạng vi phạm nhân quyền ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong buổi họp báo công bố báo cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặc biệt vạch tội Iran, Nam Sudan, Nicaragua và Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại buổi họp báo công bố phát hành ‘Báo cáo Quốc gia về Thực thi Nhân quyền 2018’ tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington D.C hôm 13/3/2019. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Báo cáo nhân quyền toàn cầu 2018 do Bộ Ngoại giao Mỹ soạn thảo vẽ lên bức tranh tối màu về “những vi phạm tồi tệ về nhân mạng, tự do và phẩm giá”, diễn ra hàng ngày tại nhiều nơi trên thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1977 đều có báo cáo thường niên về thực trạng vi phạm nhân quyền này.

Trong phát biểu tại buổi họp báo công bố báo cáo hôm 13/3, Ngoại trưởng Pompeo nói ông đã ước rằng các nước được đánh giá trong báo cáo năm nay có hồ sơ tốt hoặc được cải thiện, nhưng ông lưu ý rằng đó “đơn giản không phải trường hợp như vậy”.

“Thậm chí một số nước bạn bè, đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp thế giới đều có vi phạm nhân quyền. Chúng tôi soạn thảo các báo cáo này với đánh giá bình đẳng,” ông Pompeo nói với báo giới. “Mục tiêu của chúng tôi luôn là để xác định các thách thức nhân quyền và sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh Mỹ để chuyển đổi mọi quốc gia hướng tới thực thi nhân quyền tốt hơn, nhất quán hơn.”

Ông Pompeo chỉ ra rằng chế độ Hồi giáo Iran năm 2018 đã giết hơn 20 người và bắt giam hàng nghìn người biểu tình. Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Tehran “tiếp tục mô hình tàn bạo mà chế độ này đã gây ra cho người dân Iran trong bốn thập kỷ qua.”

Ngoại trưởng Pompeo sau đó đề cập tới Nam Sudan nơi mà lực lượng quân đội đã xâm phạm tình dục thường dân và Nicaragua nơi người dân tham gia biểu tình hòa bình bị lực lượng an ninh chính phủ nã đạn thật, người phê bình chính phủ “phải đối mặt với việc bị trục xuất, tù giam hoặc tử hình.”

Đặc biệt, ông Pompeo nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là nước vi phạm nhân quyền hàng đầu.

Ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Ngày nay, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhs và các nhóm người Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động được thiết kế để xóa bỏ bản sắc tôn giáo và sắc tộc của họ. Chính quyền cũng đang tăng cường bức hại các tín đồ Công giáo, Phật giáo Tây Tạng và bất cứ ai tán thành các quan điểm khác với người của chính phủ hoặc người ủng hộ chính phủ – hoặc người ủng hộ sự thay đổi trong chính phủ,” ông Pompeo nói.

Cũng trong buổi họp báo hôm 13/3, Cục trưởng Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Michael Kozak đã nói rằng việc vi phạm nhân quyền đối với nhóm thiểu số Hồi giáo ngày nay tại Trung Quốc chưa từng xảy ra “kể từ những năm 1930.”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu chi tiết cách thức những học viên Pháp Luân Công trở thành nạn nhân của hành vi “tra tấn có hệ thống trong các trại giam giữ” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng “một số nhà hoạt động và các tổ chức nhân quyền tiếp tục cáo buộc chính quyền [Trung Quốc] thu hoạch nội tạng không tự nguyện từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt các học viên Pháp Luân Công.”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập tới tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Venezuela dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài xã hội chủ nghĩa Nicolas Maduro. Trong đó, báo cáo nhấn mạnh tới việc lực lượng an ninh thân Maduro giết người và tra tấn bất hợp pháp thường dân tham gia biểu tình hòa bình chống chính  phủ. Điều kiện nhà tù tại Venezuela cũng được cho là rất tồi tệ.

Phản ứng trước báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm thứ Năm (14/3), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng báo cáo nhân quyền của Mỹ phê bình Trung Quốc chứa đầy “định kiến ý thức hệ và những lời buộc tội vô căn cứ.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với báo giới rằng Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ tự đánh giá kỹ hồ sơ nhân quyền của chính mình.

Xuân Thành