Trong buổi công bố “Báo cáo Thế giới 2020” (WR2020) hôm thứ Ba (14/01) tại New York, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nhận định Chính quyền Trung Quốc lo sợ “người dân mong muốn dân chủ” và sự đàn áp nhân quyền của họ là mối đe dọa hiện hữu đối với thế giới.

Embed from Getty Images

Ông Kenneth Roth đã công bố Báo cáo Nhân quyền Thế giới năm 2020 hôm 14/1 (Ảnh: Getty Images)

Việc công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền thế giới đã trở thành tiêu điểm của giới quan sát khi ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã vô cớ bị giới chức Hồng Kông cấm nhập cảnh hôm 12/1. Đây là lần đầu tiên ông Roth bị từ chối nhập cảnh, và quyết định cấm nhập cảnh đến từ Bắc Kinh. Trước đó, ông đã lên kế hoạch công bố báo cáo mới vào ngày 14/1.

“Chúng tôi đã hy vọng tổ chức sự kiện này ở Hồng Kông, nhưng chính phủ Trung Quốc lại có ý tưởng khác”, ông Roth nói trong lễ công bố báo cáo nhân quyền tại trụ sở của Liên Hợp Quốc hôm 14/1.

Ông Roth cho hay: “Bắc Kinh cho rằng bản báo cáo này đã kích động phong trào dân chủ của người dân Hồng Kông.” Ông còn nói: “Lập trường của Bắc Kinh đã xúc phạm Hồng Kông. Điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc rất sợ người dân mong muốn dân chủ.”

Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền năm nay dài 652 trang, đánh giá thực trạng nhân quyền ở gần 100 quốc gia, tập trung vào vai trò của chính quyền Trung Quốc trên thế giới. Nhóm các chuyên gia theo dõi nhân quyền nhận định, hệ thống toàn cầu nhằm bảo vệ nhân quyền hiện đang bị đe dọa bởi chính quyền Tập Cận Bình.

“Dường như chính quyền Trung Quốc coi nhân quyền là một mối đe dọa hiện hữu với họ. Nhưng rõ ràng lập trường chống lại nhân quyền của họ mới là mối đe dọa hiện hữu đối với thế giới”, ông Roth nói.

Bản cáo báo 2020 cũng nhắc tới việc Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục giam giữ khoảng một triệu tù nhân người Duy Ngô Nhĩ và các tín đồ Hồi giáo khác tại các khu tự trị ở Tân Cương.

Chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng các cuộc tấn công nhằm vào tự do ngôn luận, bao gồm việc bắt giữ các nhà báo và truy tố các nhà hoạt động. Ông Roth cũng nói rằng nếu không có sự phòng vệ thích hợp, thế giới có thể phải đối mặt với một tương lai đen tối là không ai có thể vượt qua sự kiểm duyệt của Trung Quốc và hệ thống nhân quyền quốc tế suy yếu đến mức không thể đóng vai trò giám sát sự đàn áp của chính quyền”.

Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch toàn cầu nhằm giảm thiểu chỉ trích về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ, và đã nhận được sự hỗ trợ của các chính phủ Nga, Syria, Bắc Hàn, Myanmar, Belarus và Ả Rập Saudi.

Đáng quan ngại hơn, theo báo cáo, chính là việc “Một số chính phủ được xem là chỗ dựa tin cậy trong việc bảo vệ nhân quyền đến nay cũng chưa có hành động thích đáng nào”. “Trong đó Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) đang bị phân tán bởi vấn đề Brexit và dân nhập cư, khó tìm được tiếng nói chung về vấn đề nhân quyền”.

“Các quốc gia khác, như Pakistan, đơn giản là bị mua chuộc. Khi thủ tướng Pakistan đến thăm Bắc Kinh, ông đã không đề cập bất cứ vấn đề gì liên quan đến Tân Cương.”

“Chính phủ Trump cũng từng có thời điểm chỉ trích Trung Quốc, thậm chí còn áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc hồi tháng 10/2019,” ông Roth nói, “Nhưng điều mà tổng thống Trump thường xuyên làm hơn lại là ca ngợi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.”

Báo cáo còn chỉ ra, hệ thống điểm tín dụng xã hội của Trung Quốc được thiết kế để giám sát công dân, không chỉ ở Trung Quốc. Ông Roth nhấn mạnh: “Trong nước, ĐCSTQ đã xây dựng một nhà nước giám sát công nghệ và hệ thống kiểm duyệt Internet chặt chẽ hòng theo dõi và đàn áp những chỉ trích công khai.” “Ở nước ngoài, Trung Quốc tận dụng sức mạnh kinh tế của mình hòng bịt miệng bất kỳ ai có ý định chỉ trích họ và thực hiện các cuộc tấn công dữ dội nhất vào hệ thống thực thi nhân quyền toàn cầu.”

Trung Quốc thậm chí còn khiến các cộng đồng doanh nghiệp im lặng bằng cách đe dọa không cho họ tiếp cận thị trường tiềm năng của mình. Họ còn tấn công vào tự do học thuật trên toàn thế giới. Ở Úc, Canada, Anh và Mỹ, sinh viên người Trung Quốc vẫn luôn tìm cách chấm dứt các cuộc thảo luận gây tranh cãi về đất nước của mình.

Ông Roth nói thêm: “Các cuộc tấn công của chính phủ Trung Quốc đối với các hệ thống nhân quyền phải dừng lại.” “Các chính phủ nên hợp tác cùng nhau.” Ông cho rằng, nếu từng quốc gia riêng lẻ phải đối mặt với sự lựa chọn hết sức khó khăn giữa cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc và giữ chính nghĩa khi lên tiếng phản đối các cuộc đàn áp của Bắc Kinh, thì cán cân có thể sẽ thay đổi nếu các chính phủ cùng nhau phản đối vi phạm nhân quyền của chính quyền độc tài này.

Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra các giải pháp thay thế các khoản vay và viện trợ phát triển của Trung Quốc, vốn bị chỉ trích như một hình thức ngoại giao “bẫy nợ”. “Để bảo vệ tương lai, các chính phủ cần hành động cùng nhau để chống lại sự tấn công của Bắc Kinh vào hệ thống nhân quyền quốc tế.”

Minh Nhật (Theo SCMP)

Xem thêm: