Trung Quốc đang cố tình sử dụng luật pháp trong nước để biện minh cho các yêu sách không rõ ràng của mình ở vùng biển tranh chấp.

bien dong
Biển Đông (Ảnh: PIxabay)

Trung Quốc đã đơn phương thay đổi cách phân loại vùng biển quốc tế rộng lớn giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, theo Taiwan News.

Bằng cách sửa đổi một quy định vận chuyển nội địa được soạn thảo lần đầu tiên vào năm 1974, Bắc Kinh đang cố gắng phân loại vùng biển này là một “khu vực ven biển” thay vì “ngoài khơi,” theo SCMP. Việc phân loại có hiệu lực vào ngày 1/8 và thiết lập một “khu vực hàng hải” từ đảo Hải Nam của Trung Quốc đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, nằm ở phía đông đường bờ biển của Việt Nam, The Telegraph đưa tin.

Ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nói với The Telegraph rằng động thái này nhằm hợp lý hoá việc Trung Quốc đang tìm kiếm “quyền tài phán leo thang” cho các khu vực rộng lớn hơn bằng cách sử dụng luật pháp trong nước để khẳng định yêu sách của mình và mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông.

Ông Koh nhận định rằng việc những luật lệ và quy định trong nước được Bắc Kinh thực thi một cách lặng lẽ không phô trương, điều này ít thu hút sự chú ý từ bên ngoài, sau đó một “sự đã rồi” được tạo ra. Theo ông Koh, rủi ro trong dài hạn là Trung Quốc có thể cố gắng biến khu vực hàng hải này thành “khu vực cảnh báo an ninh trong tương lai.”

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông có diện tích khoảng 3,6 triệu km vuông bằng bản đồ “đường lưỡi bò.” Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển; tuy nhiên, Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết này, theo CNBC.

Trong khi thế giới tiếp tục đối phó với đại dịch virus corona, Trung Quốc đã bị cáo buộc đẩy mạnh việc gây hấn ở Biển Đông, eo biển Đài Loan cũng như Biển Hoa Đông.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: