Hôm 15/1, Trung Quốc lên tiếng phản bác lại sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Bắc Kinh tùy tiện và thiếu trách nhiệm khi tuyên án tử hình một công dân Canada vốn trước đó chỉ bị tuyên 15 năm tù, một động thái gia tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao hai nước vốn đang nguội lạnh vì vụ lãnh đạo Huawei.

Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh “vô cùng không hài lòng” đối với phát ngôn trên của ông Trudeau.

“Phát biểu bởi người Canada có liên quan thiếu trầm trọng nhận thức cơ bản nhất về hệ thống pháp luật”, bà Hoa nói trong buổi họp báo.

Nhận xét về việc Canada đưa ra cảnh báo đối với công dân về rủi ro “bị bắt tùy tiện khi tới Trung Quốc”, bà Oánh nói Canada nên nhắc nhở người dân của mình đừng buôn bán ma túy thì hơn.

“Chúng tôi thúc giục phía Canada tôn trọng pháp luật, tôn trọng chủ quyền pháp lý của Trung Quốc, sửa chữa sai lầm của mình và chấm dứt việc đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng công bố cảnh báo du hành riêng của mình đối với công dân về rủi ro “bị bắt bớ tùy tiện” tại Canada.

Theo Reuters, vài giờ sau tuyên bố của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trong một nỗ lực xuống thang đã nói về “mối quan hệ lâu dài rất quan trọng” giữa Canada và Trung Quốc.

Quan hệ hai nước trở nên trầm trọng sau vụ cảnh sát Canada bắt giữ lãnh đạo tập đoàn Huawei Trung Quốc Mạnh Vãn Chu hồi tháng 12, theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Bà Mạnh bị Mỹ truy bắt vì đã tìm cách luồn lách để bán sản phẩm công nghệ của Mỹ cho Iran. Trung Quốc cảnh báo Canada sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu không thả bà Mạnh, vốn là con gái của một đảng viên Trung Quốc.

Vài ngày sau đó, Trung Quốc bắt giam 2 người Canada vì “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”

Đến nay, chính phủ Canada loan báo Trung Quốc đã giam giữ tới 13 công dân nước này.

Hôm 14/1, tòa án Trung Quốc tuyên tử hình ông Robert Schellenberg vì tội buôn lậu 222kg ma túy meth. Trước đó, người Canada này chỉ bị xử 15 năm tù, tuy nhiên trong phiên tòa kháng cáo vừa rồi mức án này bị tăng lên tử hình với lý do bản án ban đầu “quá nhẹ”. Nhiều người nhìn thấy động cơ chính trị của Bắc Kinh đằng sau hành động này.

Ngoại trưởng Canada Freeland nói rằng chính phủ Trudeau đã chính thức nộp đơn xin khoan hồng đối với ông Schellenberg theo thủ tục bình thường đối với công dân bị xử tử hình ở nước ngoài.

freeland youtube
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland trong buổi họp báo về Trung Quốc hôm 15/1 (Ảnh: Youtube)

“Việc có vấn đề là bình thường, nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng các liên hệ giữa 2 nước chúng ta là rất to lớn”, bà Freeland nói trong một buổi họp báo tại Saint Hyacinthe, Quebec, một nỗ lực được cho là nhằm giảm nhiệt sau sự phản bác của Bắc Kinh.

“Đúng là bây giờ là một thời điểm khó khăn. Nhưng điều tốt đẹp nhất cho cả Canada và Trung Quốc, và nói thẳng ra là cho cả thế giới, là vượt qua được những khó khăn hiện tại.”

Trung Quốc chưa bao giờ liên kết các vụ bắt giam và xét xử người Canada đối với vụ Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt mà đều nêu ra các lý do riêng biệt.

Từ 15 năm lên tử hình

Hồi tháng 11/2018, tức là trước khi Canada bắt Mạnh Vãn Chu, ông Schellenberg bị tòa án Trung Quốc tuyên 15 năm tù. Ông này đã kháng cáo và nói rằng ông là một khách du lịch bị gài bẫy.

Trong phiên tái xử hôm 14/1 vừa qua, thẩm phán tỉnh Liêu Ninh đã chấp nhận đề nghị án tử hình của công tố viên bởi cho rằng bản án ban đầu quá nhẹ.

Theo Reuters, luật sư Zhang Dongshuo của bị cáo người Canada nói rằng ông này sẽ kháng cáo tiếp.

Ngoại trưởng Canada Freeland nói bà đã nói chuyện với cha ông Schellenberg hôm xét xử, nhưng chỉ nói rằng “đó là một cuộc chuyện trò rất xúc động đối với ông ấy”.

Luật sư Zhang nói rằng không có đủ bằng chứng để chứng tỏ ông Schellenberg là thành viên của một tổ chức buôn ma túy hoặc ông có tham gia trong vụ buôn lậu Meth.

Thậm chí nếu tòa chấp nhận mọi cáo buộc, quan tòa cũng không nên tăng nặng mức án đã xử, bởi vì bên công tố không đưa ra được bất kỳ bằng chứng mới nào trong phiên tòa tái thẩm, luật sư này nói với Reuters.

“Luật pháp Trung Quốc quy định rằng trong một phiên xử kháng cáo, chỉ được gia tăng mức án cũ nếu phát hiện và đưa ra trước tòa bằng chứng mới”, ông Zhang nói.

Theo Reuters, ông Schellenberg bị bắt năm 2014.

Phát ngôn viên về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Rupert Colville nhận xét rằng Trung Quốc “nhìn chung là có một vấn đề về việc thiếu minh bạch trong xét xử.”

Tại Canada, ông Schellenberg cũng bị truy tố một số tội liên quan tới sở hữu và buôn lậu ma túy, theo Reuters.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên án việc Trung Quốc nâng mức án tử đối với ông này trong bối cảnh quan hệ ngoại giao với Canada đang căng thẳng, một số người cho rằng án tử là quá nặng và có thể đã bị thúc đẩy bằng động cơ chính trị.

Đức Trí

Xem thêm: