Phái đoàn Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc mới đây đã phát hành một văn bản nói rằng nước này đang đối mặt với việc thiếu khoảng 1,4 triệu tấn lương thực trong năm 2019. Chế độ Bình Nhưỡng cho rằng thời tiết khắc nghiệt như nhiệt độ cao, hạn hán, lũ lụt cùng với chế tài của Liên Hiệp Quốc là những nguyên nhân khiến nước này gặp khủng hoảng lương thực.

Embed from Getty Images

Văn bản cập nhật 2 trang của phái đoàn Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc phát hành vào thời điểm chỉ còn khoảng một tuần đến hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tại Hà Nội, Việt Nam.

Reuters cho biết hôm 21/2 họ đã xem tài liệu của Bắc Hàn, trong đó có đoạn viết: “Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) kêu gọi các tổ chức quốc tế hãy phản ứng nhanh chóng để giải quyết tình huống [khủng hoảng] lương thực này.”

Tài liệu của Bắc Hàn nói rằng sản xuất lương thực của họ vào năm ngoái đạt 4,951 triệu tấn, giảm 503.000 tấn so với năm 2017. Liên Hiệp Quốc đã xác nhận các số liệu này là dữ liệu chính thức của chính phủ Bắc Hàn công bố vào cuối tháng Một và cho biết sản xuất lương thực của Bắc Hàn gồm lúa gạo, lúa mì, khoai tây và đậu nành.

Bắc Hàn cho biết họ đã nhập khẩu 200.000 tấn lương thực và sản xuất được 400.000 tấn của vụ sớm, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và từ tháng Một, chính quyền đã phải giảm khẩu phần lương thực phân phối cho mỗi người dân xuống 300 gram, trước đó khẩu phần của mỗi người là 550 gram/ngày.

Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric hôm 21/2 cho biết các quan chức Liên Hiệp Quốc và các nhóm cứu trợ tại Bắc Hàn đang tham vấn với chính phủ để “hiểu rõ hơn về tác động của tình huống an ninh lương thực này đối với những người dân dễ bị tổn thương nhất để đưa ra các hành động sớm nhằm giải quyết nhu cầu nhân đạo của họ.”

Ông Dujarric nói rằng do thiếu nguồn tài chính nên Liên Hiệp Quốc và các nhóm cứu trợ chỉ có thể giúp được khoảng 1/3 trong tổng số 6 triệu người năm ngoái ước tính có nhu cầu nhận viện trợ nhân đạo. Phát ngôn viên này nói thêm rằng năm 2018 Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi 111 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn, nhưng chỉ huy động được 1/3 số này.

Ông Dujarric cho biết Liên Hiệp Quốc ước tính có tổng cộng 10,3 triệu người – gần một nửa dân số Bắc Hàn – đang có nhu cầu nhận viện trợ và khoảng 41% người dân nước này bị suy dinh dưỡng.

Ngoài các nguyên nhân từ thời tiết, tài liệu nêu trên của Bắc Hàn cũng đổ lỗi cho các chế tài của Liên Hiệp Quốc đã hạn chế chuyển nguyên liệu nông nghiệp và ngăn chặn nguồn cung dầu cho ngành nông nghiệp Bắc Hàn.

Theo Reuteres, hoạt động viện trợ nhân đạo tại Bắc Hàn vào năm ngoái gần như dừng lại khi Mỹ gia tăng thực thi chế tài Liên Hiệp Quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng, cho dù Ủy ban chế tài Bắc Hàn của Hội đồng Bảo an đã nói rằng các chế tài này “không nhằm mục đích gây hậu quả nhân đạo bất lợi cho thường dân.”

“Mặc dù chế tài của Hội đồng Bảo an rõ ràng miễn trừ các hoạt động nhân đạo, nhưng đã có những hậu quả không lường trước đối với hoạt động nhân đạo,” ông Dujarric thừa nhận.

Theo Reuters, trước thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Hàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông không muốn thúc đẩy vội vàng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và các chế tài đang áp đặt lên Bắc Hàn sẽ vẫn duy trì. Ông Trump cũng chỉ ra tiềm năng kinh tế của đất nước Bắc Hàn nhỏ bé có vị trí địa lý nằm giữa Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc.

Trao đổi với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc hôm 15/2, ông Trump nói: “Chúng tôi nghĩ rằng họ có cơ hội tuyệt vời cho sự thịnh vượng kinh tế to lớn trong tương lai.”

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 19/2, ông Trump nói: “Họ [Bắc Hàn] là đất nước có tiềm năng lớn, và tôi nghĩ đó là điều họ đang mong đợi để thực hiện. Chúng ta sẽ chờ xem.”

Tân Bình