Ba thế hệ nhà họ Kim đã lãnh đạo nhân dân Bắc Hàn được hơn 70 năm. Chế độ này luôn tung hô nhân dân một mực trung thành với lãnh đạo, nhưng ngoại giới đánh giá số lượng thường dân bất đồng chính kiến là không nhỏ. Giới chức Bắc Hàn gần đây cũng đã phải tăng cường các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ các di tích, tượng đài và hình tượng lãnh tụ ở khu vực công cộng trên toàn quốc.

Embed from Getty Images

Người dân phải đội đá để sửa một tuyến đê sông ở tỉnh Kangwon vào tháng 4/2017

Trong gần 3/4 thế kỷ gia tộc nhà họ Kim lãnh đạo đất nước Bắc Triều Tiên, người dân nơi đây đã phải đối mặt với nạn đói và khốn khổ cùng cực mà những người dân ở Hàn Quốc hay các nước phát triển khác trên thế giới khó mà tượng tượng được.

Dưới thời ông Kim Jong-un, thế hệ lãnh đạo thứ ba nhà họ Kim và đã từng được gửi sang phương Tây học tập, nhưng nền kinh tế Bắc Hàn cũng chỉ có sự chuyển dịch nhỏ từ chế độ xã hội chủ nghĩa hà khắc sang nền kinh tế mở. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un lại tập trung quá nhiều nguồn lực vào phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đắt đỏ, trong khi đầu năm 2017, hạn hán nghiêm trọng đã gây tổn hại lớn đến nguồn cung lương thực, nên người dân phải chịu cảnh thiếu đói trầm trọng.

Sự bất mãn trong dân chúng đối với lãnh đạo ngày một tăng, đặc biệt là ở giới trẻ.

Ông Thae Yong-ho, cựu quan chức ngoại giao cao cấp của chính quyền Bắc Hàn đã đào thoát sang Hàn Quốc, hồi tháng 8 có trao đổi với tờ nhật báo JoongAng rằng: “Nhiều thập kỷ qua, đã có vô số các sự kiện chống đối Đảng Lao động, chống đối cách mạng tại Bắc Triều Tiên”.

Ông Thae nhấn mạnh rằng: “Có rất nhiều người dân bình thường phản kháng lãnh đạo”.

Hố sâu ngăn cách giữa chế độ Kim Jong-un và công chúng mỗi ngày một rộng hơn, và đến một ngày nào đó nó sẽ bị phá vỡ giống như dây chun căng quá phải đứt. Tôi nghĩ rằng ngày đó sẽ đến trong vòng 10 năm tới”, tờ JoongAng dẫn lời ông Thae Yong-ho.

Ông Toshimitsu Shigemura, giáo sư Đại học Waseda, Tokyo và là chuyên gia về Bắc Hàn mới đây đã nói với tờ Telegraph rằng: “Thế hệ trẻ Bắc Hàn không mấy tôn trọng ông Kim Jong-un và chúng ta bắt đầu thấy hiện tượng này biểu hiện ở bề mặt xã hội”.

Biểu hiện bề mặt của việc ít tôn trọng lãnh tụ tối cao mà giáo sư Toshimitsu Shigemura đề cập ở trên chính là hiện trạng gần đây chính quyền Bắc Hàn đã phải ban hành lệnh tăng cường công tác tuần tra an ninh công cộng trên toàn quốc, đặc biệt ở các địa điểm có tượng đài, tranh tường về các lãnh đạo nhà họ Kim.

Tờ nhật báo NK (Hàn Quốc), dẫn nguồn tin từ Bắc Hàn, cho hay: “Các mệnh lệnh được ban bố nhằm tăng cường chú ý tới các tượng đài ‘sống muôn đời’, các bức tranh sơn dầu, và tranh tường lãnh tụ trên khắp đất nước. Sĩ quan an ninh công cộng (cảnh sát) được huy động tuần tra cả đêm”.

Giáo sư Toshimitsu Shigemura cũng nói rằng ông có nhận được các thông tin cho thấy gần đây chính quyền Bắc Hàn tăng cường hoạt động bảo vệ các di tích tôn vinh đế chế nhà Kim, “đặc biệt ở các vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước”.

Tờ BusinessInsider nhận định rằng biểu hiện bất đồng chính kiến tại Thủ đô Bình Nhưỡng là không nhiều vì tại đây chế độ Bắc Hàn kiểm soát rất chặt chẽ về tiêu chuẩn dân cư. Chỉ có những công dân được cho là ái quốc nhất, phù hợp nhất mới có thể được sống ở Bình Nhưỡng. Ở khu vực ngoại thành kém phát triển hơn, bất đồng chính kiến là có nhưng vẫn trong tầm quyền soát của chính quyền.

Cũng như cha và ông mình, hiện tại lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un vẫn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tảy não người dân. Tất cả các nam thanh niên trên 16 tuổi đều được khuyến khích đeo huy hiệu tôn vinh triều đại nhà Kim, và gần như mọi gia đình Bắc Hàn đều có treo ảnh ba đời lãnh tụ nhà Kim.

Embed from Getty Images

Huy hiệu hình ông Kim Nhật Thành (phải) và Kim Chính Nhật (Kim Jong-il)

Người dân có thể bị giết hoặc phạt lao động khổ sai trong các trại lao động cưỡng bức nếu bị bắt gặp xem, nghe, đọc phương tiện truyền thông nước ngoài. Thậm chí nếu người dân vô tình gấp ảnh tạo thành vết nhăn trên mặt lãnh tụ cũng là hành vi phạm tội và có thể bị phạt, theo BusinessInsider.

Nhiều người dân Bắc Hàn không chịu được cuộc sống cùng cực trong nước đã tìm đường đào thoát ra nước ngoài, chủ yếu họ trốn chạy sang Hàn Quốc qua đường biên giới Trung Quốc hoặc qua các nước Đông Nam Á.

Thống kê từ các cơ quan tại Hàn Quốc cho thấy, số người từ Bắc Triều Tiên chạy đến Hàn Quốc mỗi năm đều tăng vọt kể từ năm 2000. Trong những năm 1990, mỗi năm chỉ có khoảng xấp xỉ 10 người nhưng đến năm 2008 đã tăng lên 2.927 người. Năm 2015, số “người thoát Bắc” có hạ xuống (1276 người) nhưng đến năm 2016 thì con số này đã tăng trở lại. Tính đến tháng 10/2016, Hàn Quốc thống kê có khoảng 30.000 “người thoát Bắc” đang sống tại Hàn Quốc, trong đó có 7/10 người là phụ nữ.

Tân Bình

Xem thêm: