Theo lệnh của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un, chế độ Bình Nhưỡng đã chính thức mở lại đường dây liên lạc nóng với Hàn Quốc vào chiều thứ Tư (3/1). Hai bên trước mắt sẽ dùng kênh này để thảo luận về việc Bình Nhưỡng cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông tại thành phố Pyeongchang vào tháng Hai tới.  

Embed from Getty Images

Trong bài phát biểu đầu năm 2018, Lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un bất ngờ đề xuất “mở đối thoại” với Hàn Quốc.

BBC cho hay Hàn Quốc xác nhận đã nhận được cuộc gọi từ Bắc Hàn vào 15h30 ngày thứ Tư 3/1 (giờ địa phương).

Một quan chức cấp cao của Bắc Hàn đã thông báo trên truyền hình quốc gia về việc mở lại đường dây nóng với Hàn Quốc .

Thay vì bản thông báo được đọc bởi biên tập viên nhà đài, đích thân Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình Tổ quốc, Ri Son-gwon đã xuất hiện trên truyền hình và đọc bản thông báo, nói rằng ông đang phát ngôn “với sự cho phép của ông Kim Jong-un”.

Các quan chức Hàn Quốc nói rằng cuộc gọi của Bắc Hàn diễn ra trong thời gian ngắn và hai bên sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra tình trạng hoạt động của kênh liên lạc này.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đường dây liên lạc điện thoại đặc biệt này được thiết lập từ năm 1971, tại làng Panmunjom. Làng biên giới này cũng là nơi tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai miền.

Những cuộc hội đàm cấp cao liên Triều không được tổ chức kể từ tháng 12/2015. Một thời gian ngắn sau đó, Bắc Hàn đã chủ động cắt đường dây liên lạc do những tranh cãi liên quan đến việc Hàn Quốc đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong.

Theo thông báo của quan chức Bắc Hàn, mục đích chính của việc mở lại đường dây nóng là để hai miền thảo luận các vấn đề thực chất xoay quanh việc đoàn vận động viên miền Bắc tới tham dự Thế vận hội mùa đông tại thành phố  Pyeongchang.

>>Ông Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng “mở đối thoại” với Hàn Quốc

Phản ứng trước việc Bắc Hàn mở lại đường dây nóng, thư ký báo chí của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng việc phục hồi kênh liên lạc này là “rất có ý nghĩa”.

Thư ký của ông Moon cho hay: “[Kênh liên lạc] tạo môi trường nơi mà [hai miền] có thể liên tục kết nối thông tin với nhau”.

Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc lại tỏ ra hoài nghi về thiện chí của miền Bắc.

Tờ Nhật báo JoongAng Ilbo cho biết: “Bài phát biểu Năm mới của ông Kim Jong-un là một động thái được tính toán kỹ để châm ngòi chia rẽ nội bộ Hàn Quốc. Bình Nhưỡng có thể đã quyết định dùng chiến dịch hòa bình để kéo dài thời gian cho đến khi họ hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân”.

Nhật báo Hankyoreh cũng nêu lên tiếng nói thận trọng: “Ông Kim chưa nhượng bộ một chút nào về lập trường liều lĩnh và cứng rắn trước đây của mình đối với việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa”. Nhưng tờ báo này nói thêm rằng: “Phát biểu Năm mới đáng ngạc nhiên [của ông Kim] có thể mở cánh cửa tới hòa bình”.

Trước diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ bày tỏ hoài nghi về thiện chí đàm phán của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay: “Nếu hai nước quyết định rằng họ muốn có các cuộc đối thoại, chắc chắn đó là lựa chọn của họ”. Bà Nauert nói thêm: “Ông Kim Jong-un có thể đang cố gắng chêm vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. [Nhưng] tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng [việc chia rẽ] sẽ không xảy ra. Chúng tôi rất hoài nghi về sự chân thành của ông Kim Jong-un trong việc ngồi vào bàn đàm phán”.

Trong khi đó, Tổng thống Trump vẫn giữ thái độ mỉa mai trước những động thái của ông Kim và chế độ Bình Nhưỡng. Đêm thứ Ba 2/1 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ tweet: “Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vừa tuyên bố Nút phóng hạt nhân luôn luôn ở trên bàn của ông ta. Một người nào đó từ cái chế độ đói ăn và kiệt quệ của ông ta, làm ơn hãy nói với ông ta rằng tôi cũng có một Nút phóng hạt nhân, nhưng cái nút của tôi to hơn, mạnh hơn của hắn, và cái nút của tôi nó có tác dụng!”.

Trung Quốc là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc nối lại liên lạc và đàm phán liên Triều. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay hai miền Triều Tiên nên nắm lấy Thế vận hội mùa đông như là cơ hội để làm dịu mối quan hệ song phương.

Trao đổi với phóng viên trong buổi họp báo tại Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng nói: “Các bên liên quan cần nắm bắt xu hướng tích cực này tại bán đảo Triều Tiên và hãy đi theo cùng một hướng”.

Yên Sơn

Xem thêm: