Trước khi tới Đức dự Hội nghị thượng định G20, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thăm chính thức Ba Lan hôm thứ Năm (6/7).

Tại thủ đô Vác-sa-va, ông Trump đã có cuộc họp với các đồng minh trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực Trung và Đông Âu. Các đối tác của Mỹ kỳ vọng Washington sẽ tái cam kết đối phó với các mối đe dọa từ Nga sau khi chính Tổng thống Mỹ hồi tháng 5 đã làm đồng minh lo lắng khi khi không ủng hộ nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO.

Tổng thống Trump và phu nhân đã được các quan chức Ba Lan tiếp đón trọng thể tại sân bay Chopin, Vac-sa-va.

Reuters cho hay Tổng thống Trump sẽ tham gia một cuộc họp cùng các nhà lãnh đạo đến từ các nước Trung Âu, Baltic và Balkans. Sự kiện này do Ba Lan và Croatia phối hợp tổ chức nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và cơ sở hạ tầng khu vực.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump sẽ sử dụng điểm dừng chân ở Vác-sa-va để thể hiện cam kết của mình đối với NATO, tổ chức mà ông từng gọi là “lỗi thời”. Chính quyền Trump cũng hy vọng và coi lần xuất hiện này của ông Trump tại Ba Lan là nỗ lực hàn gắn các mối quan hệ bị rạn nứt sau Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra khá căng thẳng hồi tháng Năm vừa qua.

Chính phủ theo đường lối bảo thủ của Ba Lan hiện nay có cùng quan điểm với ông Trump trong nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, nhập cư và khai thác than đá. Do đó, Vác-sa-va rất hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ lần này và coi đây là động thái công nhận vị thế lãnh đạo của Ba Lan tại khu vực Trung Âu.

Những quốc gia Tây Âu, vốn đang phê bình hồ sơ dân chủ của Ba Lan, sẽ phải thận trọng hơn sau khi Tổng thống Mỹ có mặt tại đây và sẽ có một bài phát biểu về các chính sách quan trọng tại quảng trường Vác-sa-va. Với sự hậu thuận của Mỹ, Ba Lan hoàn toàn có thể gây áp lực ngược trở lại Brussels nếu bị phía Tây Âu quá chèn ép.

Một vài chính phủ các nước Tây Âu hiện đang khá lo lắng về sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước Đông và Tây Âu trong nội khối Liên minh Châu Âu (EU). Một số nhà ngoại giao nhìn nhận rằng hội nghị khu vực Trung và Đông Âu diễn ra hôm thứ Năm (6/7) như là một nỗ lực của Ba Lan tạo dựng ảnh hưởng trong nội khu vực và nằm ngoài cơ chế của EU.

Ngoài ra, Ba Lan cũng muốn mua khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các công ty Hoa Kỳ để đối trọng với nguồn cung khí đốt của Nga trong khu vực.

Trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Ba Lan, Tổng thống Andrzej Duda nói rằng: “Chúng tôi chỉ đơn giản là một quốc gia quan trọng trong phần bên này của thế giới. Chúng tôi là một trong những nước lớn nhất tại Châu Âu, chúng tôi là nước lãnh đạo khu vực Trung Âu và Tổng thống Trump…hiểu điều này”.

Giống như các nước khác nằm ở tiền tuyến của NATO trong tương quan với Nga, Ba Lan sẽ rất muốn được nghe chính ông Trump khẳng định chắc chắn nguyên tắc của liên minh rằng một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên cũng được coi như là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị NATO hồi tháng 5, Tổng thống Trump, vốn có cảm tình và đánh giá cao Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã khiến các đồng minh NATO bối rối khi ông đã bỏ qua, không đề cập tới nguyên tắc bảo vệ lẫn nhau, được biết đến là Điều khoản 5 của NATO – một nền tảng cho mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Bà Julie Smith, cố vấn ninh ninh quốc gia của cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cho biết: “Nhà Trắng nhìn thấy cơ hội [tại Vác-sa-va] để giải quyết vấn đề mà họ đã tạo ra ở Brussels [hồi tháng 5]- một sự chia rẽ lớn xuyên Đại Tây Dương”.

Yên Sơn

Xem thêm: