Thượng viện Argentina đã bác bỏ dự luật cho phép hợp pháp hóa nạo phá thai trong 14 tuần đầu tiên của thai kỳ, theo BBC.

nao pha thai tai Argentina
Những người ủng hộ dự luật nạo phá thai thất vọng về kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện. (Ảnh qua AFP)

BBC cho biết sau những phiên thảo luận kéo dài, cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Argentina về dự luật cho phép nạo phá thai đã kết thúc với 31 phiếu thuận và 38 phiếu chống. Với việc không thể thông qua tại Thượng viện, những nhà lập pháp giới thiệu dự luật nạo phá thai sẽ phải chờ thêm một năm nữa mới có thể giới thiệu lại dự luật.

Trước đó, Tổng thống Mauricio Macri, người có quan điểm phản đối nạo phá thai, đã kêu gọi lưỡng viện quốc hội Argentina tiến hành bỏ phiếu dự luật này, và dự luật đã được Hạ viện thông qua với đa số tối thiểu.

Luật pháp hiện hành tại Argentina chỉ cho phép nạo phá thai trong trường hợp phụ nữ có thai do bị hãm hiếp hoặc sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm.

Theo BBC, trong thời điểm Thượng viện diễn ra cuộc bỏ phiếu, những đoàn người biểu tình ở cả hai phe ủng hộ và phản đối nạo phá thai đã tập trung ở ngoài tòa nhà quốc hội.

Với kết quả dự luật không được thông qua, những nhà hoạt động chống nạo phá thai đã tỏ thái độ hồ hởi. Một người trong nhóm này nói với hãng tin Reuters: “Điều mà cuộc bỏ phiếu này đã chỉ ra là Argentina vẫn là một quốc gia đại biểu cho các giá trị gia đình”.

Tuy nhiên, những người vận động cho chiến dịch ủng hộ quyền lựa chọn đã gào khóc và an ủi nhau về kết quả bỏ phiếu. Một số người quá khích đã bắt đầu ném lửa vào cảnh sát.

Những người tham gia chiến dịch ủng hộ quyền lựa chọn đã mất nhiều năm để đưa dự luật cho phép nạo phá thai ra bỏ phiếu tại Quốc hội. Điều này là khó khăn vì đa số dân Argentina theo Công giáo La Mã và theo đức tin của họ thai nhi là sinh mệnh không thể bị phá bỏ.

Những người ủng hộ dự luật cho rằng hợp pháp hóa nạo phá thai là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Năm 2017, tại Argentina có 43 phụ nữ được cho là đã chết sau khi phá thai bất hợp pháp.

Trong khi đó, những nhà hoạt động chống nạo phá thai lập luận để tránh những cái chết đáng tiếc như nêu trên không nhất thiết phải hợp pháp hóa hành vi phá thai.

BBC dẫn lời ông Camila Duro, người phản đối phá thai, cho hay: “Thông điệp mà chúng tôi muốn đưa ra là phá thai đồng nghĩa với thất bại xã hội. Đối với một người phụ nữ để phải lựa chọn phá thai, nhiều thứ khác liên quan đã thất bại trước tiên rồi”.

Hiện nay trong số các quốc gia Mỹ Latin, mới chỉ có hai nước Uruguay và Cuba là hợp pháp hóa hoàn toàn việc nạo phá thai.

Thanh Long

Xem thêm: