Ngày 5/11, các nghị viên của Anh Quốc đã thành lập Tiểu ban Quốc hội Liên đảng về Hồng Kông để thúc đẩy phát triển dân chủ tại đây, đồng thời cũng chú ý đến tình hình nhân quyền Hồng Kông bị xâm phạm. Điều này đánh dấu việc Anh Quốc gia tăng áp lực chính trị đối với sự kiện diễn ra trong thời gian qua tại Hồng Kông. 

Quốc hội Anh
(Ảnh: Pixabay)

Việc thành lập Tiểu ban Quốc hội Liên đảng về Hồng Kông (APPG on HK) đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội Anh đối với người dân Hồng Kông. Mục đích của Tiểu ban này là “thúc đẩy dân chủ hóa và pháp trị, bảo vệ nhân quyền của Hồng Kông, chia sẻ các thông tin liên quan đến Hồng Kông phát triển quan hệ giữa người dân Anh Quốc và Hồng Kông.”

Ngày 5/11, Tiểu ban Quốc hội Liên đảng về Hồng Kông đã tổ chức đại hội thành lập, đồng nhậm chức chủ tịch có bà Natalie Bennett – cựu lãnh đạo Đảng Xanh, Nam tước vùng Castle và ông Alistair Carmichael – cựu Bộ trưởng Nội các thuộc Đảng Dân chủ Tự do, Nghị viên Quốc hội. 

Nam tước Bennett nói: “Chúng ta cần đứng cùng Hồng Kông. Sự kiện đổ máu trong đàn áp nhân quyền Hồng Kông đã xảy ra 5 tháng. Vài ngày gần đây, ứng cử viên tranh cử tại Hồng Kông bị cảnh sát và đoàn thể thân Bắc Kinh tấn công bạo lực, do đó Anh Quốc cần kiên định lập trường, cân nhắc chế tài đối với những kẻ có hành vi tàn bạo.”

Mặc dù “Tuyên bố chung Trung – Anh” là tuyên bố hợp pháp, có hiệu lực và được đăng ký tại Liên Hiệp Quốc, nhưng gần đây Đại sứ Trung Quốc tại Luân Đôn đã có phát ngôn rằng, “Tuyên bố chung Trung – Anh” không thuộc “thỏa thuận” giữa quốc gia với nhau. 

Về vấn đề này, nhà hoạt động nhân quyền người Anh, Thượng nghị sĩ Lord Alton of Liverpool nói: “Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ muốn dọa nạt người kháng nghị, mà còn muốn dọa nạt nghị viên quốc hội, chúng ta sẽ liên hợp với các đảng phái và đồng minh quốc tế cùng chống lại hành vi bắt nạt. Chúng tôi yêu cầu Ngoại trưởng biểu hiện ra tài năng lãnh đạo quốc tế, biểu thị rõ ràng rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm ‘Tuyên bố chung Trung – Anh’, đồng thời lên tiếng cho những công dân Anh Quốc đặc biệt có hộ chiếu nước ngoài, để đảm bảo quyền lợi của họ. Người dân Hồng Kông đang tìm cầu quyền bầu cử trong cam kết của thỏa thuận giữa Anh Quốc và Trung Quốc một cách hợp pháp.”

Tổ chức phi chính phủ “Đứng cùng Hồng Kông” (Standwithhk) cũng cử một tổ quan sát viên tham gia đại hội thành lập Tiểu ban Quốc hội Liên đảng về Hồng Kông, người phát ngôn của tổ chức này cho biết: “Sau khi công dân của 47 nước trên thế giới tiến hành toàn cầu cùng kháng nghị, chúng tôi vô cùng cảm tạ chính trị gia các nơi trên thế giới đã ủng hộ đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Anh sẽ lắng nghe những lời kêu gọi này, và cân nhắc gây áp lực cụ thể nào đó đối với chính quyền Trung Quốc nhằm ngăn chặn họ tiếp tục rơi vào chủ nghĩa độc tài bạo lực, đồng thời đảm bảo Hồng Kông tiến hành bầu cử tự do một cách công bằng.”

Do nước Anh gần đến thời điểm tổng tuyển cử, Quốc hội đã giải thể, cho nên Tiểu ban Quốc hội Liên đảng về Hồng Kông quyết định trong thời gian tổng tuyển cử của Anh, sẽ lấy danh nghĩa “Bạn của Tiểu ban Quốc hội về Hồng Kông” để vận hành độc lập. 

Phó chủ tịch của tiểu ban này bao gồm: 

  • Lord Alton of Liverpool – Nghị viên trung lập;
  • Lord Gordon of Strathblane – Công Đảng;
  • Lord Shinkwin – Đảng Bảo thủ;
  • Bob Seely MP – Đảng Bảo thủ;
  • Nigel Evans MP – Đảng Bảo thủ; 
  • Andrew Bowie – Đảng Bảo thủ; 
  • Geraint Davies MP – Công Đảng.

Trí Đạt

Xem thêm: