Chính phủ Anh Quốc hôm thứ Ba (31/12) thông báo mức lương tối thiểu toàn quốc tại Anh Quốc sẽ tăng thêm hơn 6% vào năm 2020, lên mức 8,74 bảng (11,49 USD)/giờ làm việc.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Boris Johnson cam kết tăng lương tối thiểu lên 10,50 bảng/giờ vào năm 2024.

Giới chức Anh Quốc nói rằng động thái tăng lương sẽ đưa nước này trên đà hoàn thành mục tiêu vào năm 2020 lương tối thiểu bằng khoảng 60% thu nhập của người có thu nhập trung bình tại Anh Quốc.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 31/12, Thủ tướng Boris Johnson nói: “Làm việc chăm chỉ nên luôn luôn được trả lương cao, nhưng mọi người đã phải chờ quá lâu mà chưa thấy lương tăng theo mức họ đáng được hưởng.”

Theo Reuters, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh Quốc hiện nay đã xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1970 và số lượng lao động đã đạt mức cao kỷ lục. Lương tối thiểu tại Anh Quốc đã tăng thêm 25% kể từ năm 2015 và hiện đang ở mức 8,21 bảng/giờ cho người lao động từ 25 tuổi trở lên.

Lương tối thiểu tăng lên 8,74 bảng/giờ cho lao động từ 25 tuổi trở lên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.

Lương tối thiểu cho lao động trẻ hơn cũng sẽ tăng ở mức 4,6% tới 6,5% phụ thuộc vào từng độ tuổi lao động, chính phủ Johnson nói.

Phản ứng với quyết định tăng lương tối thiểu của chính quyền Johnson, Phòng Thương mại Anh Quốc (BCC) cho hay: “Việc tăng sàn lương hơn gấp hai lần tỷ lệ lạm phát sẽ gây thêm áp lực lên dòng tiền và ăn vào ngân sách đào tạo và đầu tư.”

Để chính sách này được bền vững, chính phủ phải bù đắp chi phí này bằng việc giảm các khoản khác, và áp đặt lệnh cấm đối với bất kỳ khoản chi phí trả trước nào cho doanh nghiệp,” BCC nói thêm.

Được biết, lương tối thiểu tại Anh Quốc lần đầu được Thủ tướng Đảng Lao động Tony Blair giới thiệu vào năm 1999. Từ đó đến nay, chính phủ Anh Quốc quyết định tăng lương tối thiểu hàng năm ở mức khá khiêm tốn theo lời khuyên của một ủy ban gồm các học giả, nghiệp đoàn thương mại và đại diện doanh nghiệp.

Vào năm 2015, khi phải đối mặt với những phàn nàn của người dân về mức sống trì trệ, bộ trưởng tài chính của Đảng Bảo thủ George Osborne đã tuyên bố rằng ông muốn vào năm 2020 tăng lương tối thiểu cho người lao động từ 25 tuổi trở lên lên mức 60% thu nhập của người có thu nhập trung bình tại Anh Quốc. Phát ngôn này của ông Osborne được cho là ám chỉ chính phủ cần phải tăng mức tỷ lệ tăng lương tối thiểu hàng năm cao hơn.

Trong khi đó, Resolution Foundation, một nhóm tư vấn chống đói nghèo hồi tháng Năm năm nay nói rằng Anh Quốc nên làm chậm lại tỷ lệ tăng lương tối thiểu để tránh rủi ro những người lao động lương thấp bị loại khỏi thị trường lao động vào chu kỳ suy thoái kinh tế tiếp theo.

Dù vậy, Thủ tướng Boris Johnson trong chiến dịch tranh cử hồi đầu tháng Mười Hai này đã cam kết sẽ tăng lương tối thiểu lên 10,50 bảng/giờ vào năm 2024.

Lương tối thiểu tại Anh Quốc đang ở mức cao hàng đầu thế giới

Theo BBC, Anh Quốc hiện đang là một trong những nước có mức lương tối thiểu cao nhất thế giới, tính theo tỷ lệ so với thu nhập trung bình.

Đối với lao động ở độ tuổi 25 tuổi trở lên, lương tối thiểu mà ở Anh Quốc gọi là “Mức lương Quốc gia” là 8,21 bảng/giờ. Những lao động trẻ hơn có mức lương tối thiểu thấp hơn, từ 4,35 bảng/giờ tới 7,70 bảng/giờ.

Mức lương tối thiểu của Anh Quốc hiện nay bằng 59% mức lương 14 bảng/giờ của những người có mức lương trung bình. Vào năm 2010, tỷ lệ này là 50%.

Hiện tại, Anh Quốc đang trả lương tối thiểu cho khoảng 1,6 triệu người lao động từ 25 tuổi trở lên. Trước đó vào năm 1999, con số này là 700.000 người.

Chính phủ Johnson cho rằng kế hoạch tăng lương tối thiểu theo kế hoạch sẽ đem lại lợi ích cho khoảng 4 triệu người lao động.

Theo số liệu năm 2018, chỉ có năm nước công nghiệp phát triển – Pháp, Bồ Đào Nha, New Zealand, Israel và Hàn Quốc – có mức lương tối thiểu theo giờ cao hơn (tính theo tỷ lệ lương trung bình) so với Anh Quốc. Mức tăng theo kế hoạch mà chính quyền Johnson cam kết có thể sẽ sớm đưa Anh Quốc trở thành nước có mức lương tối thiểu cao nhất thế giới.

Một số nước có mức sống cao như Mỹ, Tây Ban Nha và Nhật Bản có mức lương tối thiểu theo giờ thấp hơn Anh Quốc. Nhiều nước khác, trong đó có Ý và Thụy Điển không áp dụng chính sách mức lương tối thiểu.

Như Ngọc

Xem thêm: