Anh, Pháp và Đức hôm thứ Ba (14/1) đã chính thức cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân 2015. Động thái này của ba cường quốc Châu Âu cuối cùng có thể dẫn tới việc tái áp đặt chế tài Liên Hiệp Quốc lên Tehran.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Anh, Pháp và Đức hôm 14/1 phát đi tuyên bố chung nói rằng họ chính thức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân 2015 để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng phổ biến hạt nhân làm gia tăng thêm xung đột vốn đang leo thang trầm trọng tại Trung Đông trong vài tuần gần đây.

Với việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp, ba nước Anh, Pháp, Mỹ đã chính thức cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, ba cường quốc Châu Âu cho biết họ vẫn muốn thỏa thuận hạt nhân với Iran được thực thi thành công và sẽ không tham gia vào chiến dịch “áp lực tối đa” mà Mỹ đang áp lên Tehran. Washington năm ngoái đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận 2015 và tái áp đặt các chế tài kinh tế bóp nghẹt nền kinh tế nước Cộng hòa Hồi giáo.

>>Trump nói chế tài mới áp lên Iran sẽ bắt đầu vào thứ Hai

Vì những sự kiện gần đây, điều quan trọng hơn cả là chúng tôi không muốn thêm một cuộc khủng hoảng phổ biến hạt nhân vào leo thang hiện tại đang đe dọa toàn khu vực [Trung Đông] này,” tuyên bố chung của Anh, Pháp, Đức nói. Các nước này nhấn mạnh thêm rằng họ muốn duy trì thỏa thuận với Iran.

Anh, Pháp, Đức đã thông báo lên Liên minh Châu Âu – tổ chức bảo lãnh cho thỏa thuận – về việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận 2015. Ngoại trưởng EU Joseph Borrell nói rằng mục tiêu của việc kích hoạt cơ chế tranh chấp không phải để tái áp đặt chế tài lên Iran mà là để đảm bảo Tehran tuân thủ cam kết.

Nga, một bên tham gia ký kết thỏa thuận 2015, nói rằng họ không thấy căn cứ nào để kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong khi, Iran cũng lên tiếng phản đối động thái mới nhất của Anh, Pháp, Đức và gọi đó là “sai lầm chiến lược”.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/1 phát đi tuyên bố nói rằng việc kích hoạt cơ chế tranh chấp có thể làm cho thỏa thuận hạt nhân 2015 có nguy cơ không thể thực hiện.

Hãng tin FARS dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói: “Việc sử dụng cơ chế tranh chấp này là không có cơ sở pháp lý và là sai lầm chiến lược.

Iran từ lâu đã cáo buộc các nước Châu Âu không thực hiện lời hứa bảo vệ kinh tế Tehran trước các chế tài của Mỹ. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã bác bỏ “hành động thụ động hoàn toàn” của ba nước Anh, Pháp và Đức.

Ông Mousavi nói rằng Iran sẽ ủng hộ mọi hành động “thiện chí và nỗ lực mang tính xây dựng” để cứu thỏa thuận hạt nhân 2015, nhưng họ cũng sẽ đưa ra “đáp trả nghiêm khắc với mọi biện pháp phá hoại”.

Iran trong vòng một năm qua đã rút dần khỏi các cam kết của họ theo thỏa thuận 2015. Tehran lấy lý do Mỹ đơn phương rút lui khỏi thỏa thuận để biện minh cho hành động của mình.

>>Iran tuyên bố đình chỉ một phần thỏa thuận hạt nhân 2015

Đến ngày 6/1, giới chức Iran chính thức tuyên bố họ từ bỏ giới hạn làm giàu uranium, điều khoản được cho là quan trọng nhất trong thỏa thuận hạt nhân 2015 để ngăn chặn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong tuyên bố chung hôm 14/1, Anh, Pháp, Đức nhấn mạnh: “Chúng tôi không chấp nhận lập luận của Iran rằng họ có quyền giảm tuân thủ JCPOA”. Ba nước Châu Âu sử dụng tên viết tắt chính thức của thỏa thuận hạt nhân 2015 – Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA).

Ba nước chúng tôi sẽ không tham gia vào chiến dịch thực thi áp lực tối đa lên Iran. Hy vọng của chúng tôi là đưa Iran quay lại tuân thủ hoàn toàn những cam kết của nước này trong JCPOA,” tuyên bố chung nói.

Khác với tuyên bố chung có phần ôn hòa, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 14/1 đưa ra phát biểu khá gay gắt về thỏa thuận hạt nhân với Iran. “Nếu chúng tôi loại bỏ [thỏa thuận], chúng tôi sẽ thay thế nó và chúng tôi sẽ thay thế nó bằng thỏa thuận của ông Trump.

Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook lập tức lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của ông Johnson. Ông Hook nói rằng Washington “rất hài lòng” về những phát biểu của Thủ tướng Anh Johnson. Đặc phái viên Hook nhấn mạnh rằng Mỹ muốn Anh, Pháp và Đức tham gia vào nỗ lực của Washington nhằm cô lập ngoại giao Iran.

Theo nguyên tắc của thỏa thuận hạt nhân 2015, EU sẽ thông báo với các bên khác tham gia thỏa thuận – trong đó có Nga và Trung Quốc, về việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp. Sau đó, các bên tham gia thỏa thuận sẽ có 15 ngày để giải quyết các khác biệt. EU có thể gia hạn thêm thời gian giải quyết tranh chấp hoặc sẽ tái áp đặt chế tài lên Iran ngay sau khi hết hạn 15 ngày.

Xuân Thành