Hàng nghìn người trên khắp nước Anh và Bắc Ireland hôm thứ Bảy (31/8) đã biểu tình phản đối tân Thủ tướng Boris Johnson quyết định đình chỉ quốc hội khoảng một tháng trước hạn chót nước Anh rời Liên minh Châu Âu (EU).

Embed from Getty Images

Hàng nghìn người tập trung bên ngoài văn phòng thủ tướng Anh phản đối đình chỉ quốc hội. 

Ông Johnson đã cam kết sẽ đưa nước Anh rời EU (Brexit) vào ngày 31/10 tới dù có hay không có thỏa thuận về mối quan hệ tương lai với khối này. Động thái đóng cửa quốc hội khoảng một tháng đúng vào thời điểm trước Brexit là nhằm ngăn chặn phe đối lập trong quốc hội tìm cách trì hoãn tiến trình mà ông Johnson đã định.

Theo Reuters, khoảng 2000 người đã tập hợp ở ngoài văn phòng thủ tướng tại số 10 Phố Downing vào ngày 31/8. Họ hét lớn: “Johnson kẻ nói dối, xấu hổ về ông!

Người biểu tình cũng mang theo biểu ngữ ghi: “Dừng đảo chính. Bảo vệ nền Dân chủ của chúng ta. Cứu tương lai của chúng ta.

Trong khi đó, chính phủ Anh của Thủ tướng Johnson giải thích rằng việc quốc hội tạm nghỉ họp trước khi thủ tướng mới phác thảo chương trình chính sách của ông là bình thường. Thông lệ chính sách của tân thủ tướng được vạch ra trong bài phát biểu của Nữ hoàng và dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14/10.

Những người ủng hộ ông Johnson cũng nói rằng quốc hội Anh vẫn thường nghỉ vào cuối tháng Chín hàng năm, thời điểm mà các đảng chính trị chính tổ chức đại hội đảng thường niên.

Tuy nhiên, những người phê bình tân Thủ tướng Anh cho rằng việc đình chỉ này có thời gian dài bất thường và họ mô tả động thái này là nỗ lực rõ ràng nhằm giảm thời gian mà các nhà lập pháp sẽ có để thảo luận trước khi Anh rời EU vào cuối tháng Mười.

Những nhà lập pháp đối lập muốn ngăn chặn đóng cửa quốc hội và thông qua luật tránh Brexit không thỏa thuận khi quốc hội trở lại làm việc sau kỳ nghỉ hè vào thứ Ba (3/9).

Ngoài London, biểu tình cũng diễn ra ở các thành phố lớn khác trong bốn nước thuộc Vương Quốc Anh, gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.

Reuters ghi nhận có khoảng 100 người đã tập trung bên ngoài tòa thị chính ở Belfast – thủ phủ của Bắc Ireland. Bắc Ireland đã trở thành một trọng tâm đặc biệt trong các cuộc đàm phán Brexit vì đây là nơi duy nhất trong Vương Quốc Anh có biên giới đất liền với Liên minh Châu Âu.

Chính sách “điểm dừng” (backstop) nhằm giữ biên giới mở với Ireland mà EU và cựu Thủ tướng Anh Theresa May thống nhất cho vào thỏa thuận Brexit đã trở thành trọng tâm trong vấn đề Anh rời EU.

Theo trang tin Fairobserver, cựu Thủ tướng Ireland John Bruton từng nói rằng chính sách “điểm dừng” giữa biên giới Anh và Ireland đơn giản là nỗ lực để giảm thiểu tổn hại mà Brexit gây ra cho sự ổn định của Ireland và Vương quốc Anh.

Đề xuất chính sách “điểm dừng” trong thỏa thuận với EU của cựu Thủ tướng Theresa May liên quan tới toàn bộ việc Vương Quốc Anh duy trì thỏa thuận hải quan chặt chẽ với liên minh.

Ý tưởng ban đầu là “điểm dừng” sẽ chỉ giới hạn ở Bắc Ireland, nhưng chính phủ Anh dưới thời bà May thích một thỏa thuận “điểm dừng” sẽ bao trùm toàn bộ Vương quốc Anh để giảm thiểu các biện pháp kiểm soát phải áp đặt giữa Anh và Bắc Ireland.

Mục tiêu của toàn bộ việc thực thi chính sách “điểm dừng” là để tránh việc kiểm soát tại 300 điểm giao nhau giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Tuy nhiên, ông Boris Johnson lại muốn loại bỏ chính sách “điểm dừng”. Tân Thủ tướng Anh nói rằng chính sách này có thể khiến Bắc Ireland hoạt động theo các quy định pháp lý khác biệt so với phần còn lại của Vương Quốc Anh. EU và Ireland cho biết chính phủ Anh chưa đưa ra được bất kỳ biện pháp thay thế nào có thể chấp nhận được.

Theo Reuters, một phiên tòa tại Belfast sẽ diễn ra trong tuần tới nhằm ngăn chặn quyết định đình chỉ quốc hội của Thủ tướng Johnson với lý do Brexit không thỏa thuận sẽ vi phạm Hiệp định Thứ Sáu Tốt 1998 mang tới hòa bình cho tỉnh Bắc Ireland do Anh điều hành.

Những người biểu tình hôm 31/8 nói rằng chính phủ của tân Thủ tướng Johnson đã không tính đến tầm quan trọng của vấn đề biên giới Anh và Cộng hòa Ireland (thành viên EU).

Một người biểu tình xưng tên Graham Glendinning nói với Reuters: “Điều khiến tôi lo sợ nhất là họ [chính phủ] không đánh giá cao những gì là quan trọng cho Bắc Ireland. Chúng tôi không nằm trong tầm nhìn của họ.

Xuân Thành

Xem thêm: