Lãnh đạo 27 nước Liên minh Châu Âu (EU) đã thống nhất ủng bộ thỏa thuận Brexit trong phiên họp thượng đỉnh EU tại Brussels hôm thứ Năm (17/10). Số phận của Brexit tiếp tục phụ thuộc vào Quốc hội Anh trong kỳ họp vào thứ Bảy (19/10).

Embed from Getty Images

Nơi đâu có ý chí, nơi đó có thỏa thuận – chúng ta có điều đó!” Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đăng tweet hôm thứ Năm (17/10), vài giờ trước ngày họp thứ hai thượng đỉnh EU tại Brussels.

Sau ba năm tiến và lùi và chỉ còn vài tuần nữa là đến hạn chót 31/10, Vương Quốc Anh và Liên minh Châu Âu đã thông báo họ đạt thỏa thuận Brexit mới vào sáng thứ Năm 17/10 (giờ Brussels), và tới buổi tối cùng ngày thỏa thuận này đã được toàn thể 27 thành viên EU bỏ phiếu thông qua.

Công việc tiếp theo thuộc về Nghị viện Anh. Cơ quan lập pháp Anh Quốc này sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào thứ Bảy 19/10 (giờ địa phương) để bỏ phiếu có phê duyệt thỏa thuận Brexit mới mà EU vừa chuẩn thuận hay không.

Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ lạc quan Nghị viện Anh lần này sẽ phê duyệt thỏa thuận Brexit. “Tôi rất tự tin rằng khi nghị viên của tất cả các đảng phái đọc thỏa thuận này, họ sẽ thấy đáng để ủng hộ nó,” ông Johnson nói.

Tuy nhiên, kế hoạch Brexit mới của Thủ tướng Johnson phải đối mặt với sự phản đối đáng kể trong quốc hội Anh vốn đang chia rẽ sâu sắc. Các đối thủ của ông như lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn, Bộ trưởng thứ nhất Scotland Nicola Sturgeon và lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage đều tuyên bố bác bỏ kế hoạch Brexit mới ngay khi nó được thông báo.

Ông Johnson cũng thiếu sự ủng hộ của Đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP). Đảng này nói rằng thỏa thuận mới không phải là lợi ích của Bắc Ireland.

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson không có đa số trong Nghị viện Anh Quốc gồm 650 ghế. Ông Johnson cần phải có sự ủng hộ của ít nhất 318 nghị viên, thì thỏa thuận Brexit mới mới được thông qua. Nghị viện Anh Quốc đã từng ba lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Theresa May đạt được với EU.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã nói rõ trước cuộc họp thượng đỉnh EU rằng ông loại trừ phương án tiếp tục gia hạn cho Anh Quốc. “Sẽ không có sự kéo dài. Chúng tôi đã chốt thỏa thuận để không còn tranh cãi về trì hoãn thêm nữa,” ông Jean-Claude Juncker nói.

Tuyên bố của ông Jean-Claude Juncker khiến ông Johnson có cơ sở cho rằng các nghị viên Anh sẽ phải miễn cưỡng chấp nhận thỏa thuận vì họ chỉ có hai lựa chọn hoặc là đồng ý với thỏa thuận này hoặc nước Anh sẽ rời EU vào 31/10 tới đây mà không có thỏa thuận nào cả.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Juncker nói rằng ông hài lòng về thỏa thuận đã đạt được, nhưng ông không hạnh phúc khi phải chứng kiến nước Anh rời EU. “Nói chung, tôi hạnh phúc, nhẹ nhõm khi đạt được thỏa thuận. Nhưng tôi buồn vì Brexit đang diễn ra,” ông Juncker nói.

Cảm xúc của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu là đồng điệu với những nhà đàm phán Brexit khác của EU, trong đó có ông Michel Barnier – Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk.

Trao đổi với báo giới tại Brussels, ông Tusk cho hay: “Điều tôi cảm thấy hôm nay là buồn. Bởi vì trong trái tim tôi, tôi luôn là người ủng hộ Vương Quốc Anh ở lại EU. Và tôi hy vọng rằng nếu những người bạn Anh của chúng ta một ngày nào đó quyết định quay lại [EU], cánh cửa chúng tôi sẽ luôn rộng mở.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng việc đạt được thỏa thuận Brexit là “công việc rất khó khăn” và bà gọi thỏa thuận này “là một sự nhượng bộ cho cho tất cả các bên” và “cũng là một cơ hội để có mối quan hệ tốt, gần gũi với Anh Quốc trong tương lai”.

Bà Merkel đề nghị EU và Anh Quốc nên chốt thỏa thuận thương mại tự do sớm nhất có thể sau khi Anh chính thức rời EU.

Có một sự khác biệt chủ yếu so với khi bà Theresa May làm thủ tướng. Khi đó tương lai mối quan hệ [EU – Anh] không rõ ràng, không rõ Anh có là thành viên của liên minh hải quan hay không. Bây giờ nó khá rõ ràng,” bà Merkel nói.

Như Ngọc

Xem thêm: