Thủ đô Ấn Độ và nhiều khu vực trên cả nước hôm Chủ Nhật (15/12) đã gia tăng biểu tình phản đối luật quốc tịch sửa đổi gây tranh cãi. Nhiều nơi cảnh sát đã đụng độ với nhiều người biểu tình và đã có thương vong.

Embed from Getty Images

Ấn Độ gần đây đã thông qua luật quốc tịch sửa đổi trong đó cho phép những người nhập cư trái phép không theo Hồi giáo được trở thành công dân Ấn Độ nếu họ đang đối mặt với đàn áp tôn giáo.

Một số nhà phê bình nói rằng luật quốc tịch sửa đổi nêu trên là chống Hồi giáo, trong khi những người khác – đặc biệt ở các khu vực biên giới – lại lo ngại về làn sóng nhập cư quy mô lớn vào Ấn Độ từ các nước láng giềng.

Các cuộc biểu tình bùng nổ tại miền bắc và miền đông Ấn Độ đã bước sang ngày thứ năm liên tiếp và đã có 6 người bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Mỹ, Anh và Canada đã ban hành cảnh báo du lịch đối với công dân của họ về việc di trú tới đông-bắc Ấn Độ. Công dân các nước này được khuyến cáo phải “cẩn thận” nếu du lịch tới các khu vực này.

Bất ổn lớn nhất tại thủ đô Delhi?

Sinh viên trường đại học Hồi giáo Millia danh tiếng hôm Chủ Nhật (15/12) đã tổ chức tuần hành phản đối luật quốc tịch sửa đổi và cuối cùng hoạt động này đã biến thành những cuộc đụng độ với cảnh sát vũ trang.

BBC cho biết vẫn chưa rõ sinh viên biểu tình hay cảnh sát kích hoạt bạo lực trước. Các hình ảnh cho thấy người biểu tình ném đá vào cảnh sát và lực lượng vũ trang sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.

Truyền hình địa phương đưa tin có gần 60 người, bao gồm cả sinh viên và cảnh sát đã bị thương. Ít nhất ba chiếc xe buýt và nhiều xe máy đã bị đốt cháy.

Sinh viên biểu tình lên tiếng phủ nhận trách nhiệm gây ra bạo lực và một số cảnh sát xác nhận rằng những kẻ gây rối tại địa phương đứng sau các vụ bạo động.

Trường đại học Hồi giáo Millia nói rằng cảnh sát sau đó đã xông vào học xá mà không xin phép và đoạn video trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát đang tấn công sinh viên và nhân viên trường học.

Cảnh sát tuyên bố rằng họ đã làm những gì cần thiết để chấm dứt các cuộc biểu tình.

Một số trường học tại phía nam thủ đô Delhi đã được yêu cầu đóng cửa cho tới thứ Hai (16/12).

Hàng trăm người cũng đã biểu tình tại các khu vực khác của thủ đô, bao gồm tại Đại học Jawaharlal Nehru và bên ngoài trụ sở cảnh sát thành phố.

Các thành phố khác biểu tình ủng hộ sinh viên ?

Nhiều sinh viên khắp các thành phố khác tại Ấn Độ đã xuống đường tuần hành ủng hộ cuộc biểu tình của sinh viên trường Đại học Hồi giáo Millia tại thủ đô Delhi hôm Chủ Nhật.

Tại thành phố Aligarh, miền bắc Ấn Độ, hàng trăm sinh viên của Đại học Hồi giáo Aligarh đã đụng độ với cảnh sát, khiến trường học này phải đóng cửa học xá cho tới ngày 5/1.

Một cuộc biểu tình lớn cũng bùng nổ tại thành phố miền nam Hyderabad khi nhiều sinh viên Đại học Maulana Azad Urdu mang theo các hiệu ngữ chống lại hành động bạo lực của cảnh sát tại Delhi.

Tại thủ đô tài chính Ấn Độ, thành phố Mumbai, nhiều sinh viên Viện Khoa học Xã hội Tata đã tổ chức tuần hành trong ánh nến.

Sinh viên tại các thành phố khác như Varanasi và Kolkata cũng đã tổ chức các cuộc tuần hành thể hiện đoàn kết với sinh viên Delhi trong suốt ngày Chủ Nhật.

Tạo sao luật quốc tịch sửa đổi lại gây tranh cãi?

Luật mới cho phép công dân không theo đạo Hồi của ba nước Bangladesh, Pakistan và Afghanistan đã di cư sang Ấn Độ bất hợp pháp, được phép trở thành công dân Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ lập luận rằng luật mới nhằm mục đích giúp đỡ những người đã đang phải trốn chạy đàn áp tôn giáo.

Những người phê bình nói rằng luật này là một phần trong nghị trình làm việc bài Hồi giáo của chính phủ Ấn Độ và khẳng định nó vi phạm các nguyên tắc thế tục được quy định trong hiến pháp.

Đầu tuần này, văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã lên tiếng bày tỏ quan ngại rằng luật quốc tịch sửa đổi của Ấn Độ mang bản chất phân biệt đối xử.

Chính phủ Ấn Độ phủ nhận mọi thành kiến tôn giáo và nói rằng người Hồi giáo không được ghi nhận trong luật này bởi vì họ không phải là cộng đồng thiểu số, và do đó họ không cần sự bảo vệ của Ấn Độ.

Trong khi đó, người dân tại Assam lo ngại rằng khu vực này sẽ “tràn ngập” người di cư bất hợp pháp không theo Hồi giáo tới từ nước láng giềng Bangladesh.

Người dân Assam cho rằng những người nước ngoài nhập cư trái phép sẽ chiếm đất đai, công việc, và sau đó làm xói mòn văn hóa và bản sắc của người địa phương.

Xuân Thành

Xem thêm: