Tuần này, bắt đầu từ thứ Bảy (20/4), Ai Cập sẽ tiến hành trưng cầu dân ý trong ba ngày về bản sửa đổi hiến pháp đã được quốc hội phê duyệt. Hiến pháp mới, nếu được thông qua, sẽ cho phép Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah al-Sisi có khả năng tại vị tới năm 2030 và củng cố vai trò của quân đội Ai Cập hùng mạnh.

Embed from Getty Images

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi (Ảnh: ISSOUF SANOGO/AFP/Getty Images)

Quốc hội Ai Cập với 596 thành viên hôm thứ Ba (16/4) đã bỏ phiếu thông qua hiến pháp sửa đổi với đa số tán thành (531-22).

Những người ủng hộ ông Sisi nói rằng những sửa đổi là cần thiết để cho tổng thống có thêm thời gian hoàn thành các dự án phát triển chính và cải cách kinh tế. Tuy nhiên, những người phê bình lập luận rằng các thay đổi sẽ tập trung quyền lực vào tay ông Sisi và đưa Ai Cập trở lại với mô hình nhà nước chuyên chế.

Khoảng 55 triệu người trong số gần 100 triệu dân Ai Cập có đủ điều kiện tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý trong ba ngày bắt đầu từ thứ Bảy (20/4).

Ngoại giới đánh giá bản hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua sau lần trưng cầu dân ý này, nhưng họ cho rằng số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ được xem là bài thử cho uy tín của Tổng thống Sisi.

Những người phản đối phàn nàn rằng bản hiến pháp sửa đổi đã được đưa ra quá vội vàng mà thiếu sự đánh giá công khai đầy đủ.

Ông Khaled Dawoud, thành viên của Phong trào Dân chủ Dân sự đối lập, nói với Reuters: “Họ đã không cho chúng tôi thời gian thậm chí chỉ để tổ chức chiến dịch vận động người dân bỏ phiếu ‘không’.”

“Đây là đòn chí tử cuối cùng sau tất cả những tham vọng mà chúng ta đã từng có được sau cuộc cách mạng năm 2011,” ông Dawoud đề cập tới cuộc nổi dậy của phong trào “Mùa Xuân Ả Rập” năm 2011 tại Ai Cập, lật đổ lãnh đạo độc tài Hosni Mubarak. Ông Dawoud cho biết thêm rằng do thiếu thời gian nên chiến dịch vận động cử tri bác bỏ sửa đổi hiến pháp chỉ có thể được tổ chức trên mạng trực tuyến.

Trong khi đó, các nhà chức trách Ai Cập nói rằng người dân nước này từ mọi tầng lớp đã được trao cơ hội thảo luận về các sửa đổi hiến pháp và tất cả những ý kiến đó đã được xem xét và bổ sung vào bản đề xuất cuối cùng.

Bản hiến pháp mới, nếu được thông qua, sẽ mở rộng nhiệm kỳ tổng thống hiện tại của ông Sisi từ 4 năm lên 6 năm và cho phép ông này có thể tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ ba vào năm 2024. Như vậy, ông Sisi hoàn toàn có thể làm tổng thống Ai Cập cho tới năm 2030.

Các sửa đổi hiến pháp mới cũng sẽ trao cho tổng thống quyền kiểm soát chỉ định các thẩm phán trưởng và các công tố viên từ một nhóm các ứng cử viên. Hiến pháp mới sẽ trao cho quân đội quyền bảo vệ “hiến pháp và nền dân chủ và cấu trúc cơ bản của đất nước và bản chất dân sự của nó.”

Ông Sisi lên cầm quyền tại Ai Cập từ khi với tư cách bộ trưởng quốc phòng năm 2013 đã lãnh đạo một cuộc đảo chính phế truất tổng thống Mohamed Mursi – thành viên của tổ chức Anh Em Hồi giáo. Một năm sau đó, ông Sisi được bầu làm tổng thống Ai Cập và ông vừa tái cử nhiệm kỳ bốn năm thứ hai trong cuộc bỏ phiếu vào năm ngoái.

Theo Reuters, dưới thời Tổng thống Sisi, người dân Ai Cập đã phải chứng kiến gia tăng đàn áp người bất đồng chính kiến. Các nhóm nhân quyền nói rằng việc đàn áp này là chưa có tiền lệ trong lịch sử Ai Cập hiện đại. Ngoài ra, chính quyền Sisi cũng gia tăng kiểm soát chặt chẽ truyền thông và mạng xã hội.

Bà Lina Khatib, lãnh đạo của Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Viện Chatham House Hoàng gia Anh Quốc về các vấn đề Quốc tế viết trong thư điện tử gửi Reuters rằng những sửa đổi hiến pháp Ai Cập “mở đường cho ông Sisi thâu tóm quyền lực.”

“Điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với triển vọng của nền dân chủ Ai Cập trong trung hạn và gây khó khăn cho những tiếng nói chính trị khác có thể cạnh tranh quyền lực trong dài hạn,” bà Lina Khatib nhận định.

Như Ngọc