Ngày 9/10, Apple đã gỡ ứng dụng Bản đồ tức thời HKMap, dẫn đến những tranh luận sôi nổi. Đến ngày 18/10, bảy nghị sĩ lưỡng đảng của Quốc hội Hoa Kỳ đã cùng nhau gửi thư cho Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, kêu gọi ông đưa ứng dụng bản đồ này trở lại App Store.

HKMap
Ngày 9/10, Apple đã gỡ ứng dụng “Bản đồ tức thời HKMap trên App Store, dẫn đến một cuộc thảo luận sôi nổi. (Ảnh qua patentlyapple.com)

Bảy nghị sĩ gửi thư cho Tim Cook bao gồm Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Ron Wyden, Marco Rubio và Tom Cotton và dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez cùng những người khác.

Ứng dụng HKmap chủ yếu dùng hiển thị vị trí hoạt động của người biểu tình và vị trí sở tại của cảnh sát, có thể cung cấp cho những người biểu tình theo dõi hướng hành động của cảnh sát, và người dân cũng có thể né tránh khu vực mà cảnh sát sử dụng hơi cay.

Một số nghị sĩ nói trong thư gửi Tim Cook rằng họ “vô cùng lo lắng” về một số ứng dụng bị gỡ bỏ của Apple, bao gồm cả HKMap mà người biểu tình Hồng Kông sử dụng, có thể được dùng nhằm phục vụ lợi ích của chính phủ Trung Quốc.

“Các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông nhằm bảo vệ quyền tự trị của họ đã diễn ra hơn 4 tháng qua. Chính phủ Hồng Kông dưới sự hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh đã mạnh tay trấn áp người biểu tình,” các nhà lập pháp nhấn mạnh.

Các nghị sĩ cũng cho hay, trước sự đàn áp tàn bạo của cảnh sát Hồng Kông, các công cụ như HKmap có thể cho phép những người biểu tình ôn hòa chia sẻ vị trí của họ nhằm tránh khỏi các khu vực nguy hiểm.

Các nghị sĩ còn khẳng định chắc chắn trong thư: “HKMap không phải là ứng dụng duy nhất mà Apple cân nhắc gỡ bỏ ở Trung Quốc. Theo GreatFire, một tổ chức phi chính phủ giám sát kiểm duyệt Internet, Apple đã gỡ bỏ ít nhất 2.200 ứng dụng ở Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng VPN nhằm đột phá tường lửa của ĐCSTQ.”

Bức thư cũng nói, chính quyền Trung Quốc ngày càng gây hấn và ép buộc các công ty Mỹ thi hành yêu cầu của họ, chẳng hạn như yêu cầu Apple gỡ bỏ ứng dụng HKMap hay yêu cầu NBA sa thải Daryl Morey chỉ vì ông đăng dòng tweet ủng hộ người biểu tình Hồng Kông. Những trường hợp này càng làm gia tăng sự lo ngại về việc liệu Apple và các tập đoàn lớn của Mỹ có chịu khuất phục trước yêu cầu không ngừng leo thang của chính quyền Bắc Kinh, khi mà cái giá phải trả của họ có thể sẽ là mất đi thị trường màu mỡ hơn 1 tỷ người dùng tại Trung Quốc.

Tuần trước, việc Apple quyết định gỡ bỏ ứng dụng HKMap theo yêu cầu của chính quyền Trung Quốc đã gây ra mối “quan ngại sâu sắc”. Đối mặt với chỉ trích Apple vì lấy lòng Trung Quốc (ĐCSTQ) mà gỡ bỏ ứng dụng này, ông Tim Cook bao biện rằng “quyết định này có thể bảo vệ người dùng của chúng tôi một cách tốt nhất”. Phía Apple tuyên bố hôm 9/10: “HKMap được dùng để phục kích cảnh sát, đe dọa cộng đồng, đồng thời tội phạm đã dùng nó để đe dọa cư dân ở những khu vực mà chúng biết không có quan chức thực thi pháp luật.”

Ngày 18/10, Cơ quan Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc đã chính thức thông báo rằng, người phụ trách cơ quan này đã có cuộc hội kiến với Tim Cook hôm 17/10. Hai bên đã đi sâu vào thảo luận về “mở rộng đầu tư và phát triển nghiệp vụ tại Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, v.v”.

Tim Cook lần này đến Bắc Kinh để tham dự hội nghị thường niên với phía Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa. Phía Apple không tiết lộ chi tiết cụ thể trong cuộc họp, nhưng Tim Cook còn gặp gỡ cả Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn luôn là thị trường chính mà Apple coi trọng. Gần 18% doanh thu quý 2/2019 của ông lớn này đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, thị phần điện thoại thông minh của Apple tại Trung Quốc trong quý 2 cũng đã giảm từ 6,4% của cùng kỳ năm trước xuống còn 5,8%. 

Kể từ khi phong trào biểu tình ở Hồng Kông diễn ra vào tháng 6 năm nay, Bắc Kinh đã gây áp lực lên nhiều công ty, bao gồm cả hãng hàng không Cathay Pacific, ép buộc họ phải đứng về phía chính quyền Trung Quốc và phản đối hoạt động biểu tình.

Minh Ngọc

Xem thêm: