Thế vận hội mùa đông đã chính thức khởi tranh tại thành phố nghỉ dưỡng Pyeongchang vào thứ Sáu (9/2) bắt đầu bằng một lễ khai mạc hoành trái nhiều màu sắc.

Đây cũng là một kỳ thế vận hội đặc biệt cho mối quan hệ liên Triều khi hai miền Triều Tiên cùng diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất, có biểu tượng bản đồ Triều Tiên.

Dưới đây là 6 điểm nhấn trong Lễ khai mạc.

1. Sân vận động đặc biệt chỉ dùng 1 lần rồi sẽ phá bỏ 

Embed from Getty Images

Sân vận động Olympic Pyeongchang có khá nhiều điều bất thường.

Thứ nhất, SVĐ là khá nhỏ với sức chứa chỉ 35.000 người, chưa bằng một nửa so với  SVĐ Maracana (78.000 người), tại Brazil, địa điểm tổ chức Thế vận hội 2016. Thứ hai, SVĐ này chỉ dùng cho lễ khai mạc, không tổ chức bất kỳ môn thi đấu nào ở đây. Thứ ba, SVĐ này chỉ là dựng lên tạm thời và nó sẽ bị dỡ bỏ sau Thế vận hội. Thứ tư, hình dạng của SVĐ cũng là bất thường – một hình ngũ giác.

2. Không phải tất cả đều hoan nghênh VĐV hai miền Triều Tiên tham gia diễu hành chung 

Embed from Getty Images

Đoàn VĐV hai miền Triều Tiên tham gia diễu hành chung dưới một lá cờ, trong khi trên khán đài danh dự Tổng thống Moon Jae-in đứng cạnh bà Kim Yo-jong – em gái của lãnh đạo tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un.

Đây là lần đầu tiên kể từ Thế vận hội mùa hè Seoul năm 1988, hai miền Triều Tiên mới tham gia diễu hành chung.

Khác với 30 năm trước, hiện nay người trẻ Hàn Quốc không mấy hứng thú với việc thống nhất với miền Bắc nghèo khó. Thực tế, trong một cuộc khảo sát gần đây chỉ ra rằng có tới hơn 70% người dân Hàn Quốc tầm trên 20 tuổi phản đối thống nhất hai miền Triều Tiên. Họ quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề nội địa của miền Nam như tình trạng thất nghiệp và một số người cảm thấy rằng việc tái thống nhất Triều Tiên sẽ tăng thêm gánh nặng cho miền Nam.

3. Cờ Nga không xuất hiện trong lễ diễu hành

Thay vì cầm cờ quốc gia Liên bang Nga, các vận động viên đoàn Nga lại đi diễu hành phía sau lá cờ Olympic. Việc cờ Nga không được xuất hiện tại Lễ khai mạc Thế vận hội lần này là một phần của án phạt cho chương trình doping có sự hậu thuẫn của chính phủ Nga tại kỳ Thế vận hội 4 năm trước. Tuy nhiên, nước Nga vẫn cử đội tuyển hùng hậu với hơn 160 VĐV tham gia kỳ Thế vận hội mùa đông năm nay.

4. Đội Mỹ diễu hành theo điệu nhạc “Gangnam Style” 

Embed from Getty Images

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đứng trên khán đài cạnh Thủ tướng Nhật bản Zhinzo Abe xem Lễ khai mạc và đón chào 242 VĐV Mỹ tham dự Thế vận hội diễu hành qua lễ đài danh dự. Điều đặc biệt nền nhạc đón chào đoàn Mỹ là bản “Gangnam Style” – một trong những ca khúc Hàn Quốc nổi tiếng toàn thế giới trong những năm gần đây.

5. Xuất hiện Donald Trump và Kim Jong-un giả trên khán đài

Trump va Kim un gia

Đã có một số sự xáo trộn tại một phần của SVĐ giữa chừng cuộc diễu hành của các VĐV khi Donald Trump và Kim Jong-un – hay đúng hơn là những kẻ giả mạo họ – xuất hiện gần hàng ghế cuối cùng trên khán đài.

Người đóng giả Tổng thống Mỹ nổi bật với chiếc mỹ lưỡi trai đỏ và cà vạt đỏ, trong khi nhân vật đóng Kim Jong-un rất dễ nhận ra với mái tóc cắt ngắn nổi tiếng.

Nhiều khán giả và các phóng viên của các kênh truyền thông đã vội vã chạy đến chụp hình cùng ông Trump và ông Kim giả – những người tỏ ra rất vui khi được săn đón nhiệt tình.

Cuối cùng, sự hỗ loạn chỉ chấm dứt khi các sĩ quan an ninh được huy động tới để đưa hai nhân vật đặc biệt nêu trên di chuyển khỏi khán đài.

6. Thứ tự các nước diễu hành bất thường

Lễ diễu hành của các đoàn trong kỳ Thế vận hội này kéo dài khoảng gần một giờ. Điều đặc biệt là thứ tự các đoàn không theo bảng chữ cái la-tinh như thông thường mà theo bảng chữ cái tên của các nước theo phiên âm tiếng Hàn Quốc. Do đó, dẫn tới việc đoàn Na Uy (Norway) không diễu hành gần đoàn Hà Lan (Netherlands), trong khi, đoàn Timor-Leste và Đức (Germany) lại đi liền sát nhau.

Yên Sơn

Xem thêm: