Ba thập kỷ sau vụ thảm sát đẫm máu của chính quyền Trung Quốc đối với những người biểu tình vì dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn, với sự trợ giúp của công nghệ và bộ máy đàn áp tinh vi chống lại những người bất đồng và cổ vũ nhân quyền, mục tiêu ban đầu của những thanh niên tại Thiên An Môn dường như càng xa vời hơn bao giờ hết.

Lục Tứ
Tượng Nữ thần Tự do được dựng trên Quảng trường Thiên An Môn trong sự kiện Lục Tứ năm 1989 (Ảnh: RFA)

Vào tháng 4/1989, vài tuần trước khi Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho quân đội dùng vũ lực nhấn chìm cuộc biểu tình, hàng vạn sinh viên đã chung sức ủng hộ bảy yêu cầu đối với chính phủ – bao gồm tự do báo chí, tự do ngôn luận, tiết lộ khối tài sản của quan chức và tự do biểu tình.

Những yêu cầu này được đại diện bởi bức tượng điêu khắc “Nữ thần Dân chủ” cao 10 mét, lấy cảm hứng từ Nữ Thần tự do của Mỹ và được in trên hàng vạn tờ rơi. Thanh niên, sinh viên Trung Quốc dùng cuộc biểu tình rộng lớn này bất chấp Bắc Kinh thiết quân luật để kêu gọi chính phủ thay đổi sau khi tỏ ra bất mãn trước giới quan chức ngày càng tham nhũng và một xã hội ngày càng bất công.

Thứ Ba tuần tới, nhà cầm quyền Trung Quốc lại đối mặt với một ngày kỷ niệm mà họ không bao giờ cho phép nhắc đến. Những người hoạt động nhân quyền nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc, lực lượng cầm quyền mà vào ngày 4/6 đã ra lệnh cho quân đội nổ súng và phun lửa vào chính người dân của mình, trong 10 năm qua vẫn giữ chặt gọng kiềm vào một xã hội dân sự được nuôi dưỡng trong nhiều năm kinh tế phát triển mạnh.

“Nó tệ hơn rất, rất nhiều so với năm 1989”, Shao Jiang, một trong những thủ lĩnh sinh viên đã soạn ra danh sách bảy yêu cầu năm đó nói với Reuters từ London, nơi ông sống lưu vong.

“Chính phủ Trung Quốc đã biến Trung Quốc thành một nhà tù lớn”, Shao nói. Ông nhắc đến việc Bắc Kinh đang giam cầm một triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, và các biện pháp “duy trì ổn định” cực đoan của đảng nhằm theo dõi người bất đồng với nhà nước.

thiên an môn
Ngày 4/6/1989, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh đàn áp sinh viên và dân chúng kháng nghị hòa bình trên Quảng trường Thiên An Môn (Ảnh từ Wiki)

Trung Quốc gọi hệ thống trại giam khổng lồ họ dựng lên ở Tân Cương là các trung tâm dạy nghề và giải thích việc thiết quân luật cùng số lượng cảnh sát tuần tra, thiết bị theo dõi, thu thập ADN dày đặc ở đây là để chống khủng bố.

Mặc dù có một hiến pháp bảo đảm cho người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp, các vụ biểu tình chính trị quy mô lớn như vào năm 1989 gần như là không thể nghĩ tới trong xã hội Trung Quốc ngày nay, khi mà thậm chí những vụ biểu tình nhỏ lẻ cũng nhanh chóng bị cảnh sát phát hiện và dập tắt bằng hệ thống giám sát công nghệ tinh vi.

Ngay cả những ai hoạt động chính trị ở hình thức nhẹ nhàng hơn cũng bị chính quyền đàn áp.

Patrick Poon, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng “chỉ có những ai thật sự cứng rắn và vô cùng dũng cảm” mới dám đặt ra các câu hỏi mang tính hệ thống về sự cầm quyền của Đảng. Chính việc hoạt động xã hội đã trở thành mục tiêu kiềm chế của chính phủ, Poon nói.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ra sức kiềm chế phong trào #MeToo đang lan rộng trên các trường đại học Trung Quốc, buộc thành viên hủy bỏ buổi diễu hành cũng như kiểm duyệt các bài đăng trên mạng nội dung ủng hộ quyền phụ nữ. Một cách oái oăm, Đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí còn bắt giam những sinh viên hoạt động ủng hộ chủ nghĩa Marx từ một số trường đại học hàng đầu. Các sinh viên này vận động cho việc thành lập công đoàn độc lập cho công nhân thành phố Shenzhen.

Một số nhà hoạt động sinh viên này tới nay vẫn mất tích.

Năm 2016, Bắc Kinh ra một luật quản lý tổ chức phi chính phủ khiến nhiều tổ chức tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hủy sự kiện hoặc chấm dứt cộng tác.

Một nhà nghiên cứu môi trường nước ngoài, người yêu cầu giữ bí mật danh tính nói với Reuters rằng tổ chức từ thiện của bà không thể cấp vốn cho hoạt động bảo tồn sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Trung Quốc bởi vì các nhà tài trợ người Trung Quốc sợ không dám tiếp cận với tổ chức này vì điều luật trên.

Những nhà hoạt động nhân quyền quốc tế nói Chủ tịch Tập Cận Bình, người nhậm chức năm 2012, đã tăng cường các nỗ lực của đảng nhằm tự bảo vệ bản thân khỏi các yêu cầu chính trị của một tầng lớp dân số ngày càng giàu có, có học thức và có nhận thức về quyền lợi của mình.

Nhận thức về quyền đang tăng lên. Xã hội dân sự đã được củng cố và đảng nhìn thấy điều này như một mối đe dọa căn bản đối với sự thống trị của nó và nó đã bắt đầu nắm chặt tay”, Yaqiu Wang, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại tổ chức Human Rights Watch nói về làn sóng đàn áp giới luật sư và nhà hoạt động xã hội mới kể từ kỳ Olympics Bắc Kinh 2008.

“Những giá trị mà những người biểu tình (tại Thiên An Môn) mong muốn đạt được đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.”

sự kiện lục tứ
Sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn trong sự kiện Lục Tứ năm 1989 (Ảnh: Getty Images)

Việc kỷ niệm sự kiện này vẫn luôn là chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc và không bao giờ được chính quyền thừa nhận. Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ngoại lệ sử dụng từ “ngăn chặn” để trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quân đội đã giải quyết những người biểu tình như thế nào, và nhấn mạnh Trung Quốc đã đạt được tiến bộ khổng lồ từ đó.

“Trong vòng 30 năm qua, quá trình cải cách, phát triển và ổn định của trung Quốc, sự thành công mà chúng tôi đạt được đã trả lời cho câu hỏi này rồi” phát ngôn viên Wu Qian nói trong buổi họp báo, khi được hỏi rằng ông nghĩ như thế nào về ngày kỷ niệm sự kiện 4/6/1989.

Trung Quốc chưa bao giờ công bố tổng số lượng chết chóc trong vụ thảm sát 1989. Các nhóm nhân quyền và nhiều nhân chứng nói con số lên tới nghìn người.

Trong những năm sau đó, Trung Quốc đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới WTO và trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Từ ngày hôm đó họ nói: được rồi, chúng tôi sẽ cho các người tự do kinh tế, và để đổi lại, các người phải cho chúng tôi sự khuất phục”, We’er Kaixi, một lãnh đạo sinh viên trong cuộc biểu tình Thiên An Môn, nay sống lưu vong ở Đài Loan, nói với Reuters.

Chính sách này đã dẫn đến những chiến dịch xóa bỏ thách thức đối với đảng, bao gồm việc bắt giam hàng chục luật sư nhân quyền và nhà hoạt động xã hội dưới chính quyền Tập Cận Bình.

Trước ngày kỷ niệm sự kiện này, đội ngũ kiểm duyệt tại các công ty internet Trung Quốc nói rằng các công cụ để phát hiện và chặn nội dung liên quan đến cuộc đàn áp 1989 đã đạt đến mức độ chính xác chưa từng có nhờ công nghệ máy học cũng như nhận diện hình ảnh mới.

Đảng cũng đã khép chặt gọng kìm đối với tự do học thuật tại các trường đại học.

Ông Tập thừa nhận rằng vấn nạn tham nhũng và lối sống xa hoa của giới quan chức đã làm xấu hình ảnh của đảng. Nhưng vào năm 2014, khi ông ta tăng cường chiến dịch đả hổ chống tham nhũng, ông ta cũng tống một loạt các nhà hoạt động vào tù, những người đã nỗ lực vạch trần nguồn gốc tài sản của các quan chức chính phủ, một trong những yêu cầu của những người biểu tình Thiên An Môn.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc không phải chịu sự kiểm soát của một cơ quan chống tham nhũng độc lập, vẫn khăng khăng rằng nó có thể tự quản lý.

Năm 2018, ông Tập củng cố địa vị là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông, bằng việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ ra khỏi hiến pháp, cho phép ông ta có thể cầm quyền đến lúc chết.

Ông Shao Jiang, lãnh đạo biểu tình Thiên An Môn đang sống ở London, nói rằng thế giới đã thất bại trong việc buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho tội ác thảm sát của mình khi trao cho Bắc Kinh quyền tổ chức Olympics 2008, sự kiện biểu tượng cho việc Trung Quốc bước lên sân khấu quốc tế.

Ông nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đã được củng cố địa vị bởi sức mạnh kinh tế quốc gia, và rất nhiều các công ty hàng đầu cũng như các chính trị gia cảm thấy họ quá mạnh để có thể đối đầu. Năm 2015, ông Shao bị cảnh sát London bắt giữ vì tham gia biểu tình trong chuyến thăm của ông Tập.

“Bây giờ, nền dân chủ không chỉ gặp vấn đề ở Trung Quốc”, Shao nói.

“Dân chủ không thể sống sót nếu Trung Quốc trở thành một cường quốc trên toàn cầu”.

Trọng Đức (theo Reuters)

Xem thêm: