Brexit đáng lẽ là sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2016 nếu không có chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump. Nhưng cả 2 sự kiện này đều có một điểm chung lớn nhất: đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa toàn cầu sau một phần tư thế kỷ thống trị tại các quốc gia tư bản phương Tây.

Kêu gọi thoát Âu ở Anh năm 2016. (Ảnh Worcester News)
Kêu gọi thoát Âu ở Anh năm 2016. (Ảnh Worcester News)

Toàn cầu hoá và chủ nghĩa toàn cầu

Toàn cầu hoá bắt đầu trong những năm 1970 với một khái niệm đơn giản: thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ với nhau thông qua thương mại, đầu tư, giao thương và thông tin. Đến sau Chiến tranh lạnh, cụm từ này được mở rộng thành một học thuyết chính trị: Chủ nghĩa toàn cầu.

Chủ nghĩa toàn cầu xuất phát từ học thuyết “tân tự do” trong Đồng thuận Washington – chương trình được khởi động bởi Tổng thống Mỹ hậu Chiến tranh lạnh đầu tiên, ông Bill Clinton. Chương trình này được tiếp tục bởi các chính quyền tiếp theo, từ Tổng thống George W. Bush tới Barack Obama. Tầm nhìn của học thuyết này là một thế giới nhất quán chuyển dịch về hướng tiếp nhận một bộ quy tắc và tiêu chuẩn chung trong kinh tế, chính trị và ngoại giao: biên giới địa lý giữa quốc gia mờ nhạt dần và biến mất; sự khác biệt văn hoá nhường chỗ cho các giá trị phổ quát; bầu cử dân chủ, thị trường tư bản tự do sẽ lan rộng toàn cầu. Cuối cùng, toàn bộ các quốc gia sẽ được quản lý theo những cách thức gần tương tự như nhau.

Quá trình này được Hoa Kỳ hậu thuẫn bằng cả hai thứ quyền lực “cứng” và “mềm”. Quả thực, hậu duệ của nó là những học thuyết như “tân tự do”, “tân bảo thủ” cùng với chủ trương can thiệp đã thúc đẩy Hoa Kỳ tiến hành những cuộc chiến tốn kém ở Afghanistan, Iraq và Lybia.

Sự thất bại của các thể chế toàn cầu

Liên minh Châu EU là thể chế gắn kết rộng lớn và bền chặt nhất của nhiều quốc gia giàu có, tự hào với khu vực đi lại tự do và khu vực đồng tiền chung euro. Tuy nhiên năm 2016, sự gắn kết những quốc gia trong khối này gặp phải một cú sốc vô cùng lớn: Brexit.

Brexit không phải là thảm hoạ mà là phát súng đầu tiên của xu hướng từ chối chủ nghĩa toàn cầu. Hà Lan, Pháp dự kiến sẽ bầu lên những lãnh đạo dân túy đầu tiên trong năm nay, và Ý vào năm tiếp theo. Giấc mơ về một Liên bang Châu Âu đổ vỡ, khi người dân các quốc gia thành viên ngày càng muốn tăng các quyền độc lập tự chủ, bảo vệ đường biên giới và tự quyết định các chính sách của mình.

Thể chế toàn cầu lớn nhất thế giới là Liên Hiệp Quốc với sức mạnh là Hội đồng Bảo an đã thấy sự bất lực trước bối cảnh an ninh quốc tế ngày càng bị đe doạ. Nghị quyết gần đây nhất mà cơ quan này thông qua được – nghị quyết lên án Israel xây dựng khu tái định cư – bị Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump phản đối kịch liệt. Trump sau đó gọi Liên Hiệp Quốc là nơi mà người ta đến nói chuyện cho vui.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN thành lập với mục tiêu hướng tới một tổ chức chặt chẽ và gắn kết như Liên minh Châu Âu. Nhưng tổ chức này chưa bao giờ chứng minh được ưu thế kinh tế xã hội đáng kể nào dưới ảnh hưởng quá lớn và gây chia rẽ sâu sắc của Trung Quốc. Lợi ích kinh tế từ Bắc Kinh khiến Lào, Campuchia và ái Lan quay ra chống lại những thành viên khác muốn ASEAN góp tiếng nói mạnh hơn trong hoạt động lũng đoạn biển Đông của Trung Quốc. Với hình mẫu EU thất bại, tương lai ASEAN bị đặt một dấu hỏi bất định lớn.

Tại Mỹ, Tổng thống tân cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi một loạt các hiệp định thương mại tự do như TPP hay NAFTA, cân nhắc lại thoả thuận biến đổi khí hậu, ngăn chặn nhập cư Hồi giáo từ những người không thể điều tra lý lịch và xây tường phía Nam để chặn nạn di dân vượt biên phi pháp.

Nguyên nhân khiến chủ nghĩa toàn cầu thất bại

1. Khủng bố và an ninh

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố cực đoan trong năm 2015 và 2016 khiến thế giới một lần bàng hoàng trước mặt đen tối của nhân loại, 15 năm sau vụ khủng bố 11/9. Sự cực đoan đó không còn chỉ giới hạn tại Trung Đông, cái nôi của khủng bố Hồi giáo, nơi luật Hồi giáo Sharia hà khắc thịnh trị. Toàn cầu hoá với hệ quả là làm lu mờ đường biên giới đã đưa “những con sói đơn độc” tới tận Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, những quốc gia bảo vệ mạnh mẽ nhất quyền tự do tôn giáo và đa dạng sắc tộc.

Cuộc khủng hoảng di dân trong 2 năm qua cũng đặt an ninh của châu Âu vào tình trạng báo động. Cả khối EU chia rẽ, những nước Đông Âu nghèo hơn không chịu chia sẻ gánh nặng nhập cư với những nước giàu Tây Âu. Các nước giàu Tây Âu không tìm được một thoả thuận chia sẻ di dân xin tị nạn. Làn sóng bài nhập cư nổi lên khi người châu Âu nhận ra việc chào đón hàng ngàn người đến từ một nền văn hoá họ không hiểu rõ có thể là một lựa chọn sai lầm. Sự ủng hộ của người châu Âu dành cho các lãnh đạo toàn cầu hoá theo đó cũng sụt giảm.

Nguy cơ khủng bố trà trộn cùng dòng người vượt biển tới tấn công các quốc gia tư bản trở thành sự thật. Ngay cả tại Đức, nơi hàng ngàn người ra đường biểu tình đòi chính phủ quan tâm hơn tới thảm họa của người nhập cư với những tấm băng rôn chào đón người tị nạn; người ta đã chứng kiến sự bàng hoàng như bị phản bội khi hàng trăm phụ nữ Đức bị đàn ông Hồi giáo Bắc Phi tấn công trong đêm giao thừa 2015. Gần đây nhất, một người xin tị nạn gốc Tunisia bắn chết tài xế xe tải, lao vào đâm chết 11 người khác tại phiên chợ Noel ở Berlin, lặp lại thảm họa tại thành phố Nice, Pháp vài tháng trước đó.

Làn sóng bài nhập cư cũng nổi lên tại Mỹ trong năm qua, do sự hiện diện của các cuộc tấn công khủng bố vượt đại dương. Chiến thắng của Donald Trump khẳng định lo ngại của người Mỹ về những đe dọa an ninh mà người tị nạn, nhập cư ở vùng bất ổn có thể mang đến.

2. Nguyên nhân kinh tế và văn hoá

Những lãnh đạo toàn cầu, chẳng hạn Barack Obama và Angela Merkel bị chỉ trích là theo đuổi những chính sách có lợi cho “công dân toàn cầu” mà bỏ quên lợi ích của người dân trong nước. Công dân toàn cầu là một thuật ngữ xuất hiện gần đây khi tiến bộ trong công nghệ thông tin, giao thông vận tải và sự hội nhập giúp một người dễ dàng có mặt tại gần như bất kỳ quốc gia nào, xin việc làm và trở thành công dân nước đó. Tuy nhiên, người ta chủ yếu lên án việc quỵ luỵ làm hài lòng quốc tế của những lãnh đạo bị gắn mắc toàn cầu hoá. Chẳng hạn trong việc xử lý nhập cư, Đức nhận hơn 1 triệu người di cư trong cuộc khủng hoảng năm 2015, phần lớn trong số đó không có cách nào có thể kiểm tra lý lịch được. Điều này không chỉ mang đến nguy cơ khủng bố trà trộn mà còn khiến nền kinh tế Đức phải gánh thêm những khoản chi phí khổng lồ về phúc lợi xã hội.

Về mặt kinh tế, toàn cầu hoá khiến tổng tài sản thế giới tăng lên nhanh chóng, nhưng cũng khiến khoảng cách giàu nghèo bị kéo giãn nghiêm trọng. Chủ nghĩa toàn cầu bị những nhà chỉ trích ví von với con ngựa thành Troy, nuốt trọn lợi ích của toàn cầu hoá và biến nó thành một lực lượng không gì ngăn được cho đến lúc tự sụp đổ khi ung nhọt trở nên quá lớn.

Tại phương Tây, những nguyên tắc hàng đầu của toàn cầu hoá trở thành lợi ích lớn nhất của nó. Giàu có và quyền lực được tập trung hết ở tầng lớp chóp bu – những người sở hữu và vận hành tư bản, được lợi từ thương mại tự do và chủ nghĩa đa văn hoá, các tổ chức đa phương, v.v. Nhưng tầm nhìn này ảnh hưởng tới người lao động bình dân, tầng lớp trung lưu – những người mất việc khi một tập đoàn đa quốc gia chuyển nhà máy sang Mexico hay Trung Quốc để giảm chi phí. Bảo hiểm ObamaCare thực hiện trong nỗ lực thúc đẩy bảo hiểm toàn dân cũng bị chỉ trích như một “liều thuốc xã hội hoá” khi can thiệp quá sâu vào quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.

Hậu quả là chỉ một thế hệ sau chiến thắng của Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ chứng kiến các cơ sở công nghiệp trống trơn, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, nền giáo dục mục ruỗng và các khế ước xã hội tan rã.

Đằng sau các thiệt hại kinh tế, giá trị xã hội bị thay đổi, bởi toàn cầu hoá đe dọa sự gắn kết xã hội. Nói cách khác, giới tinh hoa giàu có đã xây dựng một thể chế của mình với cái giá là sự suy yếu của cả quốc gia.

Điều tương tự cũng xảy ra với châu Âu. Những nhà kỹ trị ở Bỉ cùng đồng minh là nguyên thủ các quốc gia châu Âu áp dụng một bộ các tiêu chuẩn chung cho cả khối mà không quan tâm đến lợi ích của người dân trong từng quốc gia thành viên. Khủng hoảng nợ công Hy Lạp xuất hiện như dấu hiệu đầu tiên của khối ung thư Liên minh Châu Âu, sau đó là Brexit – một lựa chọn đau đớn mà người dân Anh quốc thực hiện để sớm cắt bỏ khối u này.

Ở Mỹ, các hiệp định tự do thương mại khiến các tập đoàn Mỹ dễ dàng chuyển việc làm sang các nước đang phát triển để tận dụng giá nhân công rẻ mạt, rồi quay lại bán tại thị trường Mỹ với thuế suất bằng 0. Hậu quả của hàng thập kỷ áp dụng chiến lược này là

Mỹ hình thành một bộ phận mà Trump gọi là “những người bị lãng quên”, bộ phận bất ngờ bị mất việc khi nhà máy đóng cửa chuyển sang Mexico hay Trung Quốc, hay những doanh nghiệp nhỏ không cạnh tranh nổi với hàng hoá giá thấp nhập khẩu từ những nước thế giới thứ Ba. Cuộc bầu cử 2016, tiếng nói từ bộ phận những người lãng quên này được khẳng định với chiến thắng của Donald Trump.

Xung đột văn hoá cũng là một nguyên nhân khiến toàn cầu hoá bị từ chối. Sự nguy hiểm của IS khiến “nỗi sợ Hồi giáo” lan từ châu Âu sang Mỹ – một quốc gia hình thành từ nền tảng đa văn hoá. Geert Wilders, người được kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng Hà Lan trong cuộc bầu cử năm nay là một người có chủ trương chống lại sự phát triển của Hồi giáo.

Donald Trump từng kêu gọi tạm thời cấm người Hồi giáo tới Mỹ khi Mỹ bị tấn công khủng bố năm 2015.

Ông Trump cũng cam kết chấm dứt chủ trương can thiệp của mình tại Trung Đông, chấm dứt việc “biến hệ thống chính trị của các quốc gia khác trở thành giống Mỹ”. Chủ nghĩa siêu quốc gia tại EU thất bại, EU không bao giờ trở thành “Liên bang Châu Âu” kỳ vọng mà nó nung nấu. Tương tự, ASEAN khó có thể tiến triển trở thành một cái gì đó gắn kết bền chặt hơn khi những mục ruỗng bên trong các quốc gia thành viên chẳng biết đến bao giờ mới hài hòa được.

Chủ nghĩa toàn cầu với khái niệm là một học thuyết chính trị đã không còn được thế giới chấp nhận. Nhưng điều này không đồng nghĩa với sự chấm dứt của hội nhập quốc tế. Donald Trump đã khẳng định, ông đặt nước Mỹ trước tiên nhưng cũng không có nghĩa là đóng cửa với thế giới, mà chính sách ngoại giao và thương mại của Mỹ sẽ “khôn ngoan hơn”, sẽ không còn “bữa trưa miễn phí” cho cả đồng minh và những nước thuộc thế giới thứ ba, vì vậy những nước khác hãy sẵn sàng để chơi đẹp. Nhưng một “thế giới đại đồng” sẽ không xuất hiện, ít nhất là trong thời gian sắp tới, lợi ích và bản sắc quốc gia sẽ được đặt ưu tiên hàng đầu.

Trần Minh

Xem thêm: