Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu trong tháng 2/2019 giảm tới 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2016.

xuat khau giam manh trung quoc tren da suy thoai thuong mai
Công nhân trong dây chuyền lắp ráp quạt điện của AIRMATE Co., Ltd. – công ty xuất khẩu các sản phẩm điện sang Mỹ. Hình ảnh tại tỉnh Giang Tây, phía đông Trung Quốc, ngày 30/3/2018. (Ảnh: Shutterstock)

Mức giảm này khiến giới kinh tế không khỏi lo ngại khi trước đó theo dự đoán của các chuyên gia, mức giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 vừa qua chỉ là 4,8%.

Đáng chú ý là nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 3 tháng liên tiếp. Nhập khẩu của Trung Quốc giảm 5,2% trong tháng 2/2019 so với tháng 2/2018, cao hơn hẳn mức dự báo 1,4% của các nhà kinh tế. Nhập khẩu tháng 1/2019 cũng giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc tháng 2/2019 chỉ đạt 4,12 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo 22,68 tỷ USD trước đó.

Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trên đà “suy thoái thương mại” và sự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có dấu hiệu chậm lại. Raymond Yeun, nhà kinh tế trưởng tại thị trường Trung Quốc của ANZ nhận định: “Các số liệu thương mại của hôm nay củng cố quan điểm của chúng tôi rằng sự suy thoái thương mại của Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện.”

Dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm chịu tác động từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, do đó tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể được phản ánh chính xác hơn qua các số liệu trong tháng 3 này.

Trước thông tin xuất khẩu giảm mạnh và dự đoán kinh tế không mấy lạc quan của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chỉ số chứng khoán Shanghai Composite (SHCOMP), đã giảm 4,4% vào ngày 8/3.

Kinh tế Trung Quốc mất đà tăng trưởng

Sự sụt giảm xuất khẩu chỉ là dấu hiệu mới nhất cho thấy những vấn đề liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc tuần vừa qua cũng dự đoán tăng trưởng kinh tế nước này chỉ ở mức từ 6% đến 6,5% vào năm 2019, thấp hơn con số tăng trưởng 6,6% của năm 2018 (mức tăng trưởng thường niên thấp nhất của Trung Quốc trong ba mươi năm qua).

Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm ổn định nền kinh tế. Mới đây nhất, Chính phủ đã tuyên bố giảm thuế và các khoản phí khác mà họ cho biết có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ mỗi năm. Tuy nhiên, những nỗ lưc này cũng không thể nào ngăn cản được những tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Theo một số chuyên gia kinh tế, ngành xuất khẩu Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc chiến thương mại với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Thuế quan áp đặt vào năm ngoái của chính phủ Mỹ đối với khoảng 250 tỷ USD các sản phẩm của Trung Quốc đang gây thiệt hại, khiến giá trị hàng hóa vận chuyển đến Mỹ đã giảm mạnh hơn nhiều so với các thị trường lớn khác.

Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Capital Economics nhận định: “Thuế quan của Mỹ đã trở thành một lực lớn đối với xuất khẩu”. Tuy nhiên, dù cho Mỹ và Trung Quốc có “chốt một thỏa thuận thương mại, triển vọng xuất khẩu vẫn sẽ ảm đạm,” ông nói thêm.

Rõ ràng, cuộc chiến thương mại, mà Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng giải quyết thông qua các cuộc đàm phán, chỉ là một phần của vấn đề. Tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục khó khăn trong những tháng tới khi nhu cầu giảm ở các thị trường lớn như châu Âu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ​​tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm trong năm nay. Hôm 7/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đưa ra dự báo về “sự giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng kinh tế” khiến họ phải tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục ít nhất cho đến hết năm 2019.

Hoàng Giang

Xem thêm: