Vụ việc bà Chu Thị Bình bị mất 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank vẫn chưa ngã ngũ và lên đến đỉnh điểm trong mấy ngày qua khi một số nhân viên của ngân hàng này bị cơ quan điều tra khởi tố. Một lần nữa, các lãnh đạo Eximbank tiếp tục có những phát ngôn phần nào nói lên được cách thức xử lý khủng hoảng của ngân hàng này.

Eximbank-giao dich vien2
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Eximbank. (Ảnh: eximbank.com.vn)

Vào tháng 2/2017, Bà Chu Thị Bình phát hiện bị mất số tiền 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM.

Trước đó không lâu, ông Lê Nguyễn Hưng – cựu Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM (người làm việc trực tiếp và chiếm đoạt số tiền 245 tỷ của bà Bình) đã xin nghỉ việc tại Eximbank và rời khỏi nơi cư trú.

Lãnh đạo cao nhất của ngân hàng Eximbank lúc đó khẳng định ngân hàng sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách khi có thông báo từ cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, sau khi có kết luận điều tra, đại diện phía Eximbank lại lòng vòng và không thực hiện chi trả tiền cho bà Bình như đã cam kết.

Đầu tháng 2/2018, Cơ quan Điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng EximBank chi nhánh TP.HCM. Bà Bình sau đó đã đến làm việc với Eximbank và mong muốn ngân hàng sớm trả lại tiền.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Quyết – Tổng Giám đốc Eximbank cho biết “đây là số tiền rất lớn và chữ ký trên giấy ủy quyền được cơ quan điều tra C44B giám định là chữ ký thật thì Eximbank khó dựa vào đó để trả tiền ngay cho bà”.

Ngày 23/2/2018, ông Quyết tiếp tục cho hay: “ngân hàng chỉ trả lại tiền cho bà Bình sau khi có phán quyết của tòa án”.

Bà Bình không đồng tình với phương án đưa vụ việc ra tòa mà yêu cầu Eximbank phải trả lại tiền ngay lập tức cho bà.

>> Vụ khách hàng mất 245 tỷ đồng: Eximbank nói chờ phán quyết của tòa liệu có thỏa đáng?

Ngày 12/3/2018, trên báo chí, ông Ngô Thanh Tùng – Thành viên HĐQT, Luật sư trưởng của Eximbank cho rằng “có sự tiếp sức và thông đồng” từ phía khách hàng nếu không thì ông Hưng không thể thực hiện hành vi rút tiền.

Bà Bình đáp trả lại và cho rằng việc Eximbank cung cấp thông tin như trên là chưa chính xác, suy diễn một chiều mang hàm ý thiếu tôn trọng đối với khách hàng.

Ngày 26/3/2018, cơ quan điều tra bất ngờ khám xét ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM và bắt giữ hai nhân viên Eximbank Hồ Ngọc Thủy và Nguyễn Thị Thi.

Một ngày sau (27/3), ông Lê Văn Quyết tiếp tục lên tiếng: “không có chuyện cứ mất tiền là thông qua quá trình phán quyết” và “khó có thể xảy ra nếu không có chữ ký và chứng từ do chính khách hàng ký”.

Còn ông Ngô Thanh Tùng, thành viên HĐQT Eximbank lên tiếng về vụ việc các nhân viên của ngân hàng bị khởi tố rằng: “Đây là cái giá phải trả cho sự sơ suất mà vướng vào vòng lao lý không đáng có”.

Sự việc hiện đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Trong khi chờ đợi, các khách hàng mất tiền, vàng vẫn buộc phải kiên nhẫn để được nhận lại tiền; các cổ đông lớn của Eximbank bao gồm Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation của Nhật Bản và Vietcombank cũng đang phải hứng chịu những liên lụy khi cổ phiếu EIB của ngân hàng này liên tục phá đáy trong những ngày qua.

Với cách xử lý khủng hoảng bằng việc luôn chối bỏ trách nhiệm và cố gắng đẩy “trái bóng” về phía khách hàng, nhân viên của họ. Liệu rằng Eximbank có xứng đáng tiếp tục nhận được niềm tin của người gửi tiền và các nhà đầu tư?

Vũ Phong