Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) liên quan đến vụ mua lô đất 32,4 ha tại Phước Kiển (Nhà Bè) từ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.

Lo dat Phuoc Kien; Lo dat 32ha
Vị trí lô đất Phước Kiển được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai. (Ảnh: Google Maps)

Là đất nông nghiệp, không phải đất công

Trong văn bản, QCG khẳng định lô đất nói trên 100% không phải là đất công, do đó việc chuyển nhượng cũng không cần phải thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật.

Lý giải cho điều này, QCG đưa ra một số dẫn chứng như:

  • Lô đất không phải thuộc sở hữu Nhà nước giao cho Công ty Tân Thuận quản lý, cũng không phải đất trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh.
  • Lô đất là đất nông nghiệp, do Công ty Tân Thuận dùng nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh bất động sản để thương lượng, đền bù trực tiếp cho người dân.
  • Công ty Tân Thuận là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (100% vốn từ Văn phòng Thành ủy TP.HCM), do đó, các thửa đất mà Tân Thuận đền bù cho người dân được xem như hàng hóa của doanh nghiệp, được hoạch toán vào danh mục hàng tồn kho của công ty.

>> Vụ bán rẻ 32 ha đất công: Phải báo cáo Thành ủy trước ngày 8/5

Ngoài ra, QCG cũng cho rằng Công ty Tân Thuận không có đủ năng lực để thực hiện dự án nên mới bán lại 32,4 ha đất đã đền bù cho QCG.

Bởi theo Nghị định 99/2015, để thực hiện dự án doanh ngiệp phải đáp ứng được 20% vốn đối ứng so với tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên, vốn điều lệ của Tân Thuận chỉ có 126 tỷ đồng, không đủ năng lực để đầu tư dự án 50 ha (đòi hỏi tối thiểu khoảng 1.000 tỷ đồng) nên buộc phải bán lại lô đất 32,4 ha nói trên.

QCG cho rằng việc mua lại lô đất nói trên là hoàn toàn tuân thủ Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đất đai. Việc mua bán đã được Văn phòng Thành ủy chấp thuận theo công văn số 512 ngày 2/6/2017.

Mua theo đúng giá thị trường

Trong công văn gửi đến UBCKNN, QCG khẳng định giá trị chuyển nhượng lô đất 32,4 ha đến nay vào khoảng 632 tỷ đồng (574,5 tỷ chưa VAT), chứ không phải như thông tin báo chí nêu là hơn 400 tỷ đồng.

Cụ thể, sau khi có công văn yêu cầu ngừng hợp đồng của Thành ủy TP.HCM, đến tháng 2/2018, Công ty Tân Thuận và QCG ký phụ lục hợp đồng số 3 điều chỉnh giá hợp đồng sau khi tham khảo đánh giá của Sở Tài nguyên – Môi trường. Theo đó, tổng giá trị hợp đồng sau khi ký phụ lục tăng thêm hơn 155 triệu đồng lên hơn 574 tỷ đồng (chưa VAT) và được thỏa thuận thanh toán tối thiểu 70% vào cuối năm 2018, số còn lại được thanh toán trong quý 1/2019.

Ngoài ra, QCG cho biết đơn giá nêu trên là hoàn toàn phù hợp theo giá thị trường với những lý do như lô đất được đền bù không tập trung, mới chỉ đền bù được 32,4ha trên tổng diện tích 50ha, một số thửa ven sông bị sạt lở gần 1ha và đa phần là đất quy hoạch thấp tầng.

Trước đó, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM vào tối ngày 20/4 đã ra yêu cầu lập tức kiểm tra các dấu hiệu vi phạm pháp luật; làm rõ tính chất, mức độ, hậu quả và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan trong vụ chuyển nhượng lô đất 32,4ha nói trên và báo cáo Thành ủy trước ngày 8/5.

Tú Mỹ

Xem thêm: