Ngày 12/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ bơm ít nhất 1.500 tỷ USD vào hệ thống tài chính nhằm đảm bảo tính thanh khoản cũng như trấn an nhà đầu tư trong lúc thị trường chứng khoán chao đảo do tác động của dịch viêm phổi  Vũ Hán (COVID-19).

Hôm 12/3, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc tới 8% do giới đầu tư lo ngại tác động của dịch bệnh và và nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái. Chỉ số Dow Jones rơi tự do 10% xuống 21.200,62 điểm – ghi nhận ngày giảm điểm mạnh nhất từ sự kiện “Thứ Hai đen tối” năm 1987; S&P và Nasdaq cũng bay hơi hơn 9%. Các lệnh bán tháo khiến sàn chứng khoán Mỹ một lần nữa phải tạm ngưng hoạt động 15 phút sau khi S&P 500 bị thổi bay 7% trong giờ đầu tiên giao dịch. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đồng loạt giảm điểm.

Tổng giá trị của thị trường chứng khoán Mỹ – theo ước tính của Russell 3000 – đã sụt giảm tới 11.500 tỷ USD từ đỉnh cao 23.800 tỷ USD đạt được hôm 19/2. 

Nhằm cứu vãn tình hình, FED sẽ bơm khoảng 1.500 tỷ USD vào thị trường tài chính để chống lại sự đóng băng các hoạt động do virus corona gây ra. Theo đó, FED chi nhánh New York sẽ tăng mạnh quy mô các hợp đồng mua lại (repo) và sẽ mua lại trái phiếu kho bạc, tín phiếu từ các ngân hàng, dự kiến bơm ra khoảng 500 tỷ USD trong hoạt động repo 1 tháng và 3 tháng. Việc mua lại sẽ bắt đầu từ ngày 13/3 và kéo dài đến hết ngày 13/4.

Đây là lần thứ ba trong vòng bốn ngày FED tăng cường cho vay tại thị trường repo. Ngoài ra, FED sẽ tiếp tục cung cấp ít nhất 175 tỷ USD trong các hoạt động repo kỳ hạn qua đêm và 45 tỷ USD tại kỳ hạn hai tuần.

Quyết định trên được đưa ra theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Fed Jerome Powell nhằm tiếp sức cho thị trường tài chính sau khi tâm lý lo ngại về suy thoái toàn cầu bao trùm các nhà kinh tế và giới đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh lây lan khắp thế giới. 

Hồi tuần trước, FED đã cắt giảm khẩn cấp lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống biên độ 1,0-1,25%. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng các nhà hoạch định chính sách của FED có thể đưa ra mức cắt giảm lãi suất thậm chí còn lớn hơn tại cuộc họp dự kiến kéo dài hai ngày từ ngày 17-18/3.

Trong một diễn biến khác,  Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 cũng đã thông qua gói thu mua trái phiếu và tín dụng ưu đãi đến hết năm 2020 trị giá lên tới 120 tỷ euro, tăng từ mức 20 tỷ Euro/tháng hiện nay. Tuy nhiên, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức -0,5%. Thị trường đã lập tức có phản ứng với quyết định trên của ECB. Tại thị trường chứng khoán Frankfurt, chỉ số DAX đã mất 10,7%, xuống 9.308 điểm, trong khi chỉ số EuroStoxx50 cũng sụt 11,4% giá trị, xuống còn 2.574 điểm

Minh Ngọc (Theo CNBC)

Xem thêm: