Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa kiến nghị các ngân hàng cho phép tập đoàn này được khoanh nợ hoặc giảm lãi suất, kéo dài thời hạn khoản vay.

nha may dam ninh binh
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang có 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ. (Ảnh: ninhbinhurea.com.vn)

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Công thương, Tổng giám đốc Vinachem ông Nguyễn Gia Tường đã báo cáo kết quả hoạt động 5 tháng đầu năm 2018. Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 19.300 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chỉ ước đạt 54 tỷ đồng.

Đáng chú ý, 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón thua lỗ nghìn tỷ (Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Vinachem, DAP số 2 Vinachem) có giá trị sản xuất hơn 3.100 tỷ đồng. Trong đó có các đơn vị vẫn còn lỗ 387 tỷ đồng, số khác đã có lãi 441 tỷ đồng. Số lượng lao động khoảng 23.750 người với mức lương bình quân mỗi người là 8,3 triệu đồng/1 tháng.

Trước tình hình kinh doanh vẫn khó khăn và lợi nhuận đạt được chưa cao, Vinachem kiến nghị các ngân hàng chấp thuận đề xuất cho phép tập đoàn được khoanh nợ hoặc giảm lãi suất, kéo dài thời hạn vay…

Về kế hoạch thoái vốn, đại diện Vinachem cho biết trong năm 2018 sẽ thực hiện thoái hết vốn khỏi 7 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 8 doanh nghiệp. Năm 2019, sẽ thoái hết vốn tại 8 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 6 doanh nghiệp và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn tất thoái hết vốn tại 4 doanh nghiệp.

Trước kết quả báo cáo của Vinachem, Thứ trưởng Bộ Công thương ông Đặng Hoàng An cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Vinachem lúc này là tài chính. Thứ trưởng yêu cầu tập đoàn bằng mọi biện pháp phải giải quyết được dứt điểm các khoản nợ vay cho nhà máy Đạm Ninh Bình, huy động tiền nhàn rỗi tại các đơn vị có lãi và thoái vốn tại 8 đơn vị đã phê duyệt. Bên cạnh đó, Vinachem cần tăng cường quản trị sản xuất, xây dựng quy chế đấu thầu minh bạch, giải quyết các vấn đề “sân sau” nếu có.

Trước đó, trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 được Vinachem công bố, nợ phải trả của tập đoàn này tính đến cuối năm 2017 lên đến hơn 38.000 tỷ đồng, tăng thêm gần 500 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn một nữa với hơn 20.000 tỷ đồng, tăng đến 1.750 tỷ đồng so với năm 2016, và tương đương với tài sản ngắn hạn (hơn 21.000 tỷ đồng).

Mặc dù đang bị ngập trong nợ, Vinachem trong năm vừa qua vẫn “rót” thêm hàng trăm tỷ đồng cho dự án nhà máy Đạm Ninh Bình để nhà máy này trả nợ ngân hàng.

Theo dự kiến, vào ngày 19/6, Tổ kiểm tra giám sát của Thanh tra Chính phủ sẽ làm việc với Vinachem về việc triển khai kết luận thanh tra liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn này.

“Khoanh nợ” là một hình thức cho phép hoãn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ và không tính lãi trong thời đoạn được khoanh nợ.

Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Đất Việt (ngày 16/12/2016) về tái cơ cấu bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng cứ khoanh nợ, giãn nợ mãi thì không tái cơ cấu được.

Cách làm khoanh nợ rồi tiến đến xóa nợ là rất nguy hiểm. “Vinashin đã chết, Vinalines lại chết nữa nên không thể đi theo vết xe đổ được”, ông Mại nói.

Minh Sơn

Xem thêm: