Mới đây, báo cáo kiểm toán liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2016 vừa chỉ ra hàng loạt dự án “tai tiếng” của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu và thậm chí đối mặt nguy cơ bị mất vốn hoàn toàn.

Dẫn đầu danh sách các DNNN thua lỗ vẫn là hai cái tên quen thuộc: Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV (Vinacomin).

Than khoang san
Tập đoàn Than khoáng sản có nhiều dự án thua lỗ lớn bị Kiểm toán Nhà nước điểm mặt. (Ảnh: Võ Cường/baoquangninh.com.vn)

Cụ thể, kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều khoản lỗ lũy kế lên đến hàng ngàn tỷ đồng của các công ty trực thuộc Vinachem, gồm có:

  • Đạm Ninh Bình lỗ gần 3.198 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 968 tỷ đồng.
  • CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc lỗ trên 1.720 tỷ đồng, nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 8,53 lần.
  • CTCP DMP – Vinachem lỗ 462 tỷ đồng, bị giám sát tài chính đặc biệt.
  • CTCP DMP – Vinachem số 2 lỗ 1.066 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 9,97 lần.
  • CTCP Pin ắc quy Vĩnh Phúc lỗ 8 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2013).

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư ra nước ngoài có nguy cơ mất vốn hoàn toàn như: dự án Muối mỏ tại Lào; dự án đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, khai thác và chế biến muối mỏ tại huyện Nongbok, tỉnh Khammouan và huyện Xaibouli, tỉnh Savanahat, Lào.

Trong khi tại “ông lớn” khác trong ngành khai khoáng là Than khoáng sản – TKV cũng thua lỗ nặng, bao gồm:

  • Tổng công ty Điện lực TKV – CTCP lỗ 451 tỷ đồng.
  • CTCP Cromit Cổ Định Thanh Hóa lỗ 137 tỷ đồng.
  • CTCP Vận tải thủy – Vinacomin lỗ 126 tỷ đồng, bị giám sát tài chính đặc biệt.
  • CTCP Than Tây Nam Đá Mài – Vinacomin nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 9,83 lần, thuộc diện giám sát tài chính đặc biệt.
  • Các dự án đầu tư ra nước ngoài có nguy cơ mất vốn như: Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng, Campuchia; dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun, Bản Nato, Lào; dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai, huyện Chăm Pon, tỉnh Savanakhet, Lào…

>> Ngành Công Thương: 12 dự án thua lỗ, nợ hơn 58.500 tỷ, lỗ hơn 18.000 tỷ

Còn tại Tổng công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (Veam) cũng không tránh khỏi thua lỗ, bao gồm:

  • Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp lỗ 82 tỷ đồng, nợ trên vốn chủ sở hữu gấp 12,5 lần.
  • CTCP Cơ khí Trần Hưng Đạo lỗ 73,5 tỷ đồng.
  • CTCP Vận tải và Thương mại Veam âm vốn 220 tỷ đồng.

Tại Vinacafe, có đến 20 trong tổng số 32 công ty con làm ăn thua lỗ, với khoản lỗ lũy kế 400 tỷ đồng; 4/6 công ty liên doanh, liên kết có lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ.

Kế đến là Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn có 6/17 công ty liên doanh, liên kết bị lỗ lũy kế 314 tỷ đồng; 4/7 khoản đầu tư dài hạn vào công ty khác lỗ lũy kế 354 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn có 7/12 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 257 tỷ đồng.

Trong khi Công ty du lịch Saigontourist cũng có 7/10 công ty con thua lỗ 106 tỷ đồng; 11/32 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 204 tỷ đồng; và 6/14 công ty đầu tư dài hạn lỗ lũy kế lên đến 4.305 tỷ đồng.

Từ kết quả kiểm toán có được, Kiểm toán Nhà nước đề nghị làm rõ và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan đến những sai sót và hạn chế được nêu tại báo cáo.

Chân Hồ