Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,2 triệu tấn sắt thép phế liệu, cao gấp đôi so với năm 2016 (2,7 triệu tấn). Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhập khẩu nhựa phế liệu tăng đột biến, gần gấp đôi so với cả năm 2017.

phe lieu nhua
Lượng nhập khẩu phế liệu nhựa vào Việt Nam đang tăng đột biến. (Ảnh: Steemkr)

Thông tin được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra tại cuộc họp về Quản lý nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vào ngày 12/7.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT cảnh báo phế liệu đang ầm ầm nhập vào Việt Nam, có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác phế liệu của thế giới. Do đó, đây là vấn đề rất cấp bách, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là vấn đề cần phải xử lý ngay.

Trung Quốc đã cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu từ cuối năm 2017, trong khi Việt Nam có quy định nhưng chưa chặt chẽ khiến phế liệu tràn vào dồn dập.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong năm 2017 và đầu năm 2018 có xu hướng tăng mạnh.

Cụ thể, ông Thức cho biết trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 5,2 triệu tấn sắt thép phế liệu, cao gấp đôi so với năm 2016 (2,7 triệu tấn); phế liệu giấy tăng gần gấp bốn lần từ 338 ngàn tấn lên 1,3 triệu tấn; phế liệu nhựa tăng gấp năm lần từ 18 ngàn tấn lên 90 ngàn tấn…

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhập khẩu phế liệu nhựa tiếp tục tăng đột biến, gần gấp đôi so với cả năm 2017, tức gần 180 ngàn tấn.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Thức, hiện có đến hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu vẫn đang còn tồn đọng tại các cảng, trong đó có 4.480 container đang tồn tại các cảng ở Sài Gòn; và 1.344 container tồn tại cảng Hải Phòng. Chủ yếu là phế liệu giấy (20%), còn lại là phế liệu nhựa và các loại khác chiếm 80%.

Theo ước tính của Bộ TN&MT, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang tìm bến đỗ trên vùng biển Đông Nam Á. Do đó, nếu Việt Nam không có các hàng rào kiểm soát chặt chẽ thì rất có thể trở thành bến đỗ của phế liệu.

Tú Mỹ

Xem thêm: