Đây là câu hỏi do tác giả David Hutt đặt ra trên Asia Times (21/7/2017), sau khi nhận định nợ công của Việt Nam đã gần đạt trần (64,7% so với mức trần nợ công 65% GDP), còn số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đã chiếm tới gần 5,7% GDP. 

no cong
Số vốn 18.000 tỷ đồng cần có để giải phóng mặt bằng cho dự án Dự án sân bay Long Thành hiện vẫn chưa có nguồn, trong khi nợ công đã gần chạm trần. Ảnh: Khách đợi ngoài sảnh sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). (Ảnh: Dương Xanh)

Theo David Hutt, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở Đông Nam Á, trung bình gần 7% trong những năm gần đây. Nhưng tăng trưởng GDP không chuyển thành cải thiện tình hình tài chính của nhà nước do sự kết hợp của quản lý tài chính yếu kém, tham nhũng và chi tiêu không bền vững, bao gồm cả việc bao cấp cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả.

David Hutt nhận định Việt Nam đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đẩy mạnh tăng trưởng trong lĩnh vực hậu cần và vận tải, hỗ trợ các ngành công nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, rõ ràng là chính phủ không thể tiếp tục bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng, mặc dù chi tiêu là rất cần thiết – bài viết trên Asia Times nhận định. Lý do là vì Việt Nam sẽ cần ít nhất 480 tỷ USD trong 4 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên toàn quốc. Nhưng, đáp ứng được mức ngân sách này không phải là một câu hỏi dễ trả lời.

Con số 480 tỷ USD cần cho đầu tư cơ sở hạ tầng do các cơ quan đầu tư, tài chính của Việt Nam công bố. Tháng 10/2016, khi trình bày kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 cho Quốc hội khoá II, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế trong 5 năm tới, Việt Nam cần hơn 1.000.000 tỷ đồng, tương đương 480 tỷ USD. Con số này lớn gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm.

Tại buổi hội thảo do Bộ Tài chính phối hợp với nhóm đối tác cơ sở hạ tầng châu Á – Thái Bình Dương (APIP) tổ chức vào tháng 12/2016, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Lê Tuấn Anh tái khẳng định nhu cầu đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới là khá lớn, giai đoạn 2016 -2020 vào khoảng 480 tỷ USD.

Một số dự án được phía Việt Nam nêu tại buổi hội thảo như dự án xây dựng 11 dự án nhà máy điện theo hình thức BOT, với công suất 13.200 MW, số vốn đầu tư khoảng 40 tỷ USD; dự án xây dựng khoảng 1.380 km đường bộ cao tốc khoảng 11 tỷ USD; các dự án về môi trường, y tế, giáo dục khoảng 29 tỷ USD… đồng thời mở rộng chính sách ưu đãi tại Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Straits Times (24/3/2017) nhận định Việt Nam có thể là một trong những nền kinh tế nhỏ nhất ở Châu Á, nhưng quốc gia này là một trong những nước dẫn đầu cuộc đua về cơ sở hạ tầng, với việc dành gần 5,7% GDP đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, cao nhất ở Đông Nam Á, chỉ kém 6,8% của Trung Quốc, theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

no cong
Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất cho cơ sở hạ tầng tại Châu Á, đứng thứ 3 là Ấn Độ. (Đồ họa: Straits Times)

Mặc dù vậy, thiếu ngân sách là một vấn đề lớn của Việt Nam. Bài báo cho hay trong tháng 3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh Bộ GTVT đẩy nhanh kế hoạch thu hút thêm đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng do nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 1/3 chi phí.

Cũng theo Straits Times, Giám đốc kinh doanh phát triển của ADB Rana Hasan cho biết tỷ lệ đầu tư tư nhân vào chi phí cơ sở hạ tầng ở Việt Nam có thể dưới 10%. Con số này tại Ấn Độ là hơn 30% tổng đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.

Theo David Hutt của Asia Times, hiện Việt Nam đang tìm các nhà đầu tư tư nhân cho các dự án xây dựng. Theo số liệu từ cơ quan nhà nước – Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2016 ước tính là 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, trên thực tế, thâm hụt ngân sách nhà nước mới là vấn đề chính. Theo Báo cáo chuyên đề về nợ công do Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố vào tháng 8/2016, từ 2013-2015, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam lần lượt là 6,6%; 6,3%; 6,1%. BVSC đánh giá tỷ lệ thâm hụt ngân sách này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc. Tuy nhiên, ngay cả khi trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) là 3%.

Theo đánh giá của BVSC, tổng áp lực gia tăng nợ công trong năm 2016 có thể lên tới 385.375 tỷ đồng, nguyên nhân không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách mà có thể còn do các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của chính phủ, các khoản chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của chính phủ.

Theo ước tính của BVSC, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 có thể lên tới xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, bằng 64,4%GDP, áp sát mức trần nợ công Quốc hội cho phép cho đến năm 2020.

Con số ước tính do Bộ Tài chính đưa ra vào cuối năm 2016 thậm chí còn cao hơn, dư nợ công khoảng 64,73%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62%GDP (vượt giới hạn cho phép 50%GDP).

Từ đầu năm 2016, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nhận định với thực trạng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao thì cân đối ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn là tất yếu, dẫn tới nhiều khó khăn về huy động vốn.

Nguyễn Quân

Xem thêm: