Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018, qua đó đưa Trung Quốc trở thành một trong hai thị trường mà Việt Nam bị thâm hụt thương mại nặng nề nhất (gần 14 tỷ USD).

hang hoa Trung Quoc
Hàng hóa Trung Quốc (Ảnh minh họa qua Getty Images)

Thống kê từ tổng cục Hải quan cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi tổng cộng hơn 30 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 29% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của cả nước.

Trong đó, các mặt hàng được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, dụng cụ với 5,5 tỷ USD; kế đến là máy vi tính, thiết bị điện tử và linh kiện với 3,3 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam cũng chi gần 3,5 tỷ USD để nhập khẩu các loại vải từ Trung Quốc, tăng hơn 18% so với 6 tháng đầu năm 2017.

Bên cạnh đó, các mặt hàng được chi mua nhiều từ Trung Quốc còn có 3,63 tỷ USD giá trị điện thoại và linh kiện điện thoại Trung Quốc; chi 2,32 tỷ USD mua sắt thép; chi hơn 1 tỷ USD mua nguyên phụ liệu dệt may da giày; và chi gần 1 tỷ USD mua sản phẩm làm từ chất dẻo của Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, giá trị hàng hóa mà Việt Nam xuất được vào Trung Quốc lại không tương xứng với quy mô thị trường đông dân nhất thế giới. Tính trong 6 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu khoảng 16,62 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc.

Điều này dẫn đến việc Việt Nam tiếp tục thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Cụ thể, trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam cấp cho Trung Quốc một khoản thặng dư thương mại lên đến gần 14 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm 2018.

Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì vai trò là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với gần 21,6 tỷ USD, qua đó mang về cho Việt Nam khoản thặng dư thương mại gần 16 tỷ USD trong 6 tháng năm 2018.

Thị trường EU cũng mang về hơn 14 tỷ USD thặng dư thương mại cho Việt Nam để cùng với Mỹ là hai thị trường mà Việt Nam đang được hưởng lợi.

Về tổng thể, giá trị nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong 6 tháng ước đạt khoảng 110,83 tỷ USD, xuất khẩu đạt 114,19 tỷ USD, qua đó đạt được 3,36 tỷ USD thặng dư thương mại, chủ yếu đến từ hai thị trường Mỹ và EU.

Tường Văn

Xem thêm: