Cùng với đó, nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu từ Trung Quốc cũng lên đến 9,7 tỷ USD sau 11 tháng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017.

cang Sai Gon
Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Shutterstock)

Theo thống kê vừa được Tổng cục Hải Quan công bố, hết 11 tháng năm 2018, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 216,3 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, nhóm hàng nhập khẩu nhiều và tăng mạnh nhất là máy vi tính và linh kiện điện tử với 38,6 tỷ USD, tăng hơn 13% – chủ yếu được nhập từ Hàn Quốc (15,9 tỷ USD) và Trung Quốc (7,1 tỷ USD); nhập khẩu mặt hàng này từ Nhật Bản cũng tăng mạnh trên 34%, đạt 3,8 tỷ USD.

Nhóm hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng công nghiệp có tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 30,7 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều nhất với gần 11 tỷ USD, tăng 9,5%; từ Hàn Quốc là 5,6 tỷ USD, giảm 30,5%; và Nhật Bản đạt 4,1 tỷ USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu từ Trung Quốc cũng lên đến 9,7 tỷ USD, tăng 18%; trong khi nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc cũng đạt 2,7 tỷ USD, tăng 21%; sắt thép các loại đạt 4,2 tỷ USD, tăng hơn 9% về giá trị…

Tính chung, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trong 11 tháng qua đã lên tới 59,59 tỷ USD, tăng 13% và chiếm 27,5% tổng kim ngạch nhập khẩu từ khu vực châu Á.

Với lượng xuất khẩu ít hơn, khoảng 37.7 tỷ USD, khiến Trung Quốc tiếp tục trở thành một trong những thị trường Việt Nam bị nhập siêu nhiều nhất, với -37,66 tỷ USD sau 11 tháng.

Đứng đầu thị trường thâm hụt vẫn là Hàn Quốc với –26,9 tỷ USD. Trong khi đó, Mỹ và EU là hai thị trường Việt Nam đạt thặng dư thương mại lớn nhất, với mức thặng dư lần lượt +31,8 tỷ USD và +26,2 tỷ USD.

Cũng trong 11 tháng, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 10,7 triệu tấn, trị giá 7,2 tỷ USD – giảm 8% về lượng nhưng tăng tới 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Các thị trường cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam là: Malaysia với 3,1 triệu tấn, tăng hơn 32%; Hàn Quốc 2,4 triệu tấn, giảm 13%; Singapore 2,3 triệu tấn, giảm 44%…

Minh Sơn

Xem thêm: