Chỉ còn 4 năm nữa để hoàn thành các chỉ tiêu chiến lược phát triển xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, chúng ta đang ở đâu trong lộ trình xanh hóa nền kinh tế và đó là những cam kết gì?

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Sáng kiến về Nền kinh tế xanh được Chương trình môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP) lần đầu tiên đưa ra vào năm 2008 để thực hiện các nghiên cứu phạm vi toàn cầu cũng như quốc gia để khuyến khích các nhà hoạch định chính sách của các chính phủ hỗ trợ đầu tư cho môi trường, qua đó đạt được tăng trưởng bền vững. Sáng kiến này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, và “nền kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững và xóa giảm đói nghèo” đã được đặt làm chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị phát triển bền vững của Liên hợp quốc RIO+20 năm 2012. Theo đó, 65 quốc gia đã cam kết xây dựng nền kinh tế xanh và các chiến lược liên quan, và 48 nước (trong đó có Việt Nam) thực sự triển khai các bước để xây dựng nền Kinh tế xanh.

Tại Việt Nam, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ngày 20/3/2014, Thủ tướng quyết định phê duyệt Quyết định số 403/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia về tăng 3 trưởng xanh giai đoạn 2014-2020. Hiện nay các Bộ ngành và địa phương đang trong quá trình bắt đầu triển khai và thực hiện.

Vậy nền kinh tế xanh là gì? Theo UNEP, kinh tế xanh “là một nền kinh tế hướng tới mục tiêu cải thiện đời sống của con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên”. Nói một cách đơn giản, kinh tế xanh là nền kinh tế ít phát thải các-bon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Trong nền kinh tế xanh, các hoạt động đầu tư của nhà nước và tư nhân để tăng trưởng thu nhập và việc làm đều phải hướng tới việc làm giảm phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu: biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng…

Với bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều đặc trưng của nền kinh tế nâu – tức là nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng hóa thạch, đã bộc lộ phát thải khí nhà kính, khủng hoảng biến đổi khí hậu, không bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực…, Chiến lược Quốc gia về phát triển Kinh tế xanh của chúng ta không đưa ra các tiêu chí định nghĩa của nền kinh tế xanh Việt Nam mà chỉ đưa ra các mục tiêu tăng trưởng xanh, mang hàm nghĩa nỗ lực “tô thêm xanh nền kinh tế” hơn là xây dựng một nền kinh tế xanh làm trung tâm. Trong nỗ lực tăng trưởng xanh, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện những điều sau:

Giảm cường độ phát thải nhà kính và giảm tiêu hao năng lượng: cam kết đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 – 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm.

Xanh hóa sản xuất: Rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. Đến năm 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP đạt 42 – 45%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 – 4% GDP.

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững: Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu. Đến năm 2020, Tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định: 60%, với đô thị loại IV, loại V và các làng nghề: 40%, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm nặng 100%, tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý hợp tiêu chuẩn theo Quyết định số 2149/QĐ-TTg diện tích cây xanh đạt tương ứng tiêu chuẩn đô thị, tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa 35 – 45%, tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%.

Chỉ còn 4 năm nữa để hoàn thành các chỉ tiêu chiến lược phát triển xanh của Việt Nam, chúng ta đang ở đâu trong lộ trình phát triển nền Kinh tế xanh của Việt Nam. Câu trả lời sẽ được TrithucVN mang tới các bạn đọc trong các số kế tiếp.

Hương Mai

Xem thêm: