Trong 2 tháng đầu năm, lần đầu tiên Trung Quốc đã ghi nhận mức thâm hụt kỷ lục suốt 8 năm trở lại đây. Hiện nền kinh tế của nước này đã bắt đầu hồi phục, song quá trình còn chậm chạp, lượng hàng hoá có khả năng xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài bị suy giảm. Trong khi đó dịch bệnh lây lan khắp toàn cầu khiến nhu cầu của các thị trường ngoại đối với hàng hóa Trung Quốc cũng suy giảm mạnh mẽ.

viêm phổi vũ hán, covid-19
Một rào chắn lớn chặn lối vào một khu dân cư trong dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), tại Thượng Hải, ngày 23/2/2020. (Ảnh: Chengwei Tu/Shutterstock)

Đối với nền sản xuất Trung Quốc vốn đã phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt hiện giờ là việc thị trường tiêu dùng nội địa đóng góp nhiều hơn xuất khẩu. Chính quyền Bắc Kinh đang mong chờ một luồng gió mới trong xuất khẩu, nhưng điều đó có lẽ chưa đủ để vực lại nền kinh tế đang lao đao trước dịch bệnh và các lệnh cấm di chuyển suốt từ dịp Tết Nguyên đán, khiến người lao động chưa thể quay lại làm việc và ngành dịch vụ bị đình trệ.

Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1-2/2020 đã giảm 17,2% (292.45 tỷ USD) so với cùng kỳ 2019 do dịch bệnh ảnh hưởng tới lượng đầu ra sản phẩm. Trong khi đó nhập khẩu chỉ giảm 4% (299,54 tỷ USD), do nhu cầu tăng cao về lương thực và thiết bị y tế.

Việc này khiến cho thâm hụt thương mại của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đã giảm 7,09 tỷ USD, theo  số liệu theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm thứ Bảy tuần trước (7/3). Đây là lần suy giảm đầu tiên kể từ năm 2012.

Xuất khẩu vào Mỹ dẫn đầu xu thế suy giảm với mức 27,7% (42.97 tỷ USD). Dù Mỹ đã cắt giảm 15% thuế đối với 120 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc trong cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 1, nhưng thỏa thuận này mới chỉ có hiệu lực từ ngày 14/2 –  đúng lúc dịch bệnh bùng phát mạnh.

“Sự suy giảm mạnh trong xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ là động lực chính kéo theo suy giảm của xuất khẩu Trung Quốc,” nhà phân tích vĩ mô Liang Zhonghua tại Viện Nghiên cứu Chứng khoán Zhongtai nhận định.

Nhu cầu của chính quyền Bắc Kinh đối với các sản phẩm nông nghiệp, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm cấp thiết để bù đắp sự thiếu hụt với các ngành sản xuất trong nước cũng đã tăng lên.

Theo dữ liệu công bố vào thứ Bảy vừa qua, lượng nhập khẩu các sản phẩm từ thịt vào Trung Quốc đã tăng 120,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 4,64 tỷ USD; trong khi lượng nhập khẩu đậu nành cùng kỳ tăng 14,2% ứng với 13,51 tấn. Việc lượng thịt nhập khẩu tăng mạnh không nằm ngoài dự kiến khi ngành công nghiệp chăn nuôi Trung Quốc chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và khoảng 200 triệu con lợn đã bị tiêu huỷ.

Nhà phân tích Liang Zhonghua cho rằng tác động của dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp diễn đối với ngạch nhập khẩu. Vấn đề này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong tháng 3.

Bà Shen Xinfeng, nhà phân tích kinh tế trưởng tại Northeast Securities cũng cho rằng dịch COVID-19 phát tán toàn cầu sẽ khiến cho nhu cầu của thị trường nước ngoài với hàng hóa Trung Quốc suy giảm mạnh. “Việc hạn chế xuất nhập khẩu, cũng như lệnh cấm hàng hóa Trung Quốc sẽ không được dỡ bỏ sớm, trong bối cảnh dịch bệnh lây lan hiện nay, sẽ chỉ khiến sự tắc nghẽn của các chuỗi cung ứng leo thang”, bà này cho hay.

Trường Nguyên