Sau khi nghe báo cáo lần 2 đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận đổi 3/8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sang đầu tư công, dù trước đó không đồng thuận chuyển đổi thêm bất kỳ dự án nào vì lo ngại gây áp lực lớn cho ngân sách.

cao toc la son tuy loan 1
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn – Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng được thiết kế để nối vào quy hoạch cao tốc Bắc – Nam, tổng mức đầu tư gần 11.500 tỷ đồng theo hình thức BT. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 tại phiên họp chiều 1/6.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết trong ba phương án Chính phủ đề xuất, hai phương án gồm chuyển đổi toàn bộ 8 dự án hoặc chuyển 5 dự án, đều không được Thường vụ Quốc hội đồng tình.

Ông Thanh cho hay với phương án 3, các ý kiến không nhất trí cho rằng hai dự án Mai Sơn – Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết – Dầu Giây có mức vốn nhà nước tham gia rất ít nhưng vẫn có từ 2 đến 3 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển.

Ngoài ra, 2 dự án có lưu lượng nhu cầu vận tải cao nhất trong tổng số 8 dự án, đặc biệt, dự án Phan Thiết – Dầu Giây có tính hấp dẫn rất cao khi thời gian thu phí chỉ 14,58 năm (thấp nhất trong 8 dự án). Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng 2 dự án này khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP.

Các ý kiến nhất trí với phương án 3 cho rằng hai dự án Mai Sơn – Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết – Dầu Giây có số vốn huy động lớn, nhà đầu tư khó có thể huy động được vốn tín dụng trong thời điểm hiện nay, nên cần chuyển sang đầu tư công.

Hai dự án này nếu được đầu tư ngay sẽ kết nối các trung tâm kinh tế lớn, giải quyết được tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn Dầu Giây – Phan Thiết (Quốc lộ 1 có 2 làn xe). Khả năng nhượng quyền thu phí thu hồi vốn nhà nước đối với 2 dự án này cao.

Tại Tờ trình số 256/TTr-CP, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 3 phương án chuyển đổi các dự án thành phần đầu tư cao tốc Bắc Nam từ đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước (100% vốn đầu tư công).

Phương án 1: chuyển đổi toàn bộ 8 dự án thành phần, bổ sung thêm vốn nhà nước.

Tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỷ đồng. Trong đó, đã bố trí kế hoạch 2016 – 2020 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung thêm vốn ngân sách nhà nước (NSNN) 44.493 tỷ đồng .

Phương án 2: chuyển đổi 5 dự án (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây), bổ sung thêm vốn nhà nước.

Tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSNN khoảng 88.059 tỷ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016 – 2020 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung thêm 33.056 tỷ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.

Phương án 3: chuyển đổi 3 dự án (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây), bổ sung thêm vốn nhà nước.

Tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSNN nước khoảng 78.461 tỷ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016 – 2020 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với phương án 3: chuyển đổi sang đầu tư công 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết).

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét lựa chọn thứ tự ưu tiên dự án chuyển đổi theo nguyên tắc: Dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển (Vĩnh Hảo – Phan Thiết); có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển nhưng khả năng đấu thầu không thành công; không bố trí bổ sung số vốn đầu tư công lớn.

Đánh giá về quyết định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết) thì đương nhiên Nhà nước phải làm. Còn đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 sẽ khai thông đường vào Hà Nội, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây là cửa ngõ TP. HCM, nên chuyển đổi hai dự án này sẽ tác động tích cực đến hai thành phố lớn nhất nước.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải chuyển đổi hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Bắc – Nam, từ đầu tư PPP sang đầu tư 100% vốn ngân sách.

Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu chuyển sang đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư của 8 dự án đường cao tốc Bắc – Nam sẽ giảm khoảng 3.020 tỷ đồng do không phát sinh chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng như đầu tư PPP.

Đề xuất này được Thủ tướng đồng ý. Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo Luật Đầu tư công. Song ở lần cho ý kiến thứ 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành chuyển đổi cả 8 dự án thành phần từ đầu từ PPP sang đầu tư công, do khó khăn về nguồn thu ngân sách vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều dự án đầu tư công bị chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng không đảm bảo so với các dự án của nhà đầu tư tư nhân.

Sơn Nguyên