Theo tính toán của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chỉ riêng việc áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019 có thể làm lạm phát tăng thêm 1,6% trong năm tới.

lam phat
(Ảnh minh họa: allvoices.com)

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3/2018 vừa được VEPR công bố, cơ quan này cho biết lạm phát tiếp nối đà tăng của quý 2 để giữ ở mức cao trong quý 3 khi đã có thời điểm tăng cao lên đến 4,67% vào tháng 6, sau đó giảm nhẹ và duy trì ở mức 3,98%.

Mức lạm phát trên cao hơn từ 0,58 – 1,46 điểm phần trăm so với các tháng cùng kỳ năm 2017, và dự báo lạm phát quý 4/2018 sẽ vượt quá mốc 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra.

“Việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu vào đầu năm 2019 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát. Mức mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó có thể đạt được trong bối cảnh như vậy”, báo cáo của VEPR đề cập.

Theo VEPR, việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng sẽ kéo theo nhiều loại mặt hàng khác tăng theo do chi phí vận chuyển tăng lên. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm 2019 sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát.

Tính toán sơ bộ của VEPR cho thấy chỉ riêng việc áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu có thể làm lạm phát tăng thêm 1,6% trong năm tới.

Do đó, các chuyên gia của VEPR cho rằng thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ thời gian tới cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao.

Nói về ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra, VEPR đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng cải cách thể chế theo hướng tạo lập nền kinh tế thị trường đầy đủ để tránh những đối xử bất lợi theo cách Mỹ đang muốn tạo ra tiền lệ với Trung Quốc.

“Có thể nói, cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay chính là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách để chủ động cải thiện tình trạng của chính mình đối với hai nước”, chuyên gia của VEPR nhận định.

Về tăng trưởng, VEPR đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 3/2018 của Việt Nam khá tích cực với 6,88%, cao hơn mức tăng của quý 2. Tuy nhiên, động lực của tăng trưởng vẫn chủ yếu tới từ khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI). “Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI”, VEPR lưu ý.

Theo VEPR,
Tường Văn

Xem thêm: