Nhưng tờ tiền mệnh giá 100.000 bolivar mới nhất của Venezuela cũng chỉ trị giá ít hơn 2,5 USD.

Maduro.100thous Bolivar 3
Chính quyền Tổng thống Maduro cho phát hành đồng tiền mệnh giá cao nhất trong lịch sử Venezuela, 100.000 bolivar (Ảnh qua: dnoticias.pt)

Vào tuần trước, Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro vừa cho phát hành đồng tiền mệnh giá mới 100.000 bolivar. Theo báo The Associated Press, đây là đồng tiền có mệnh giá cao nhất từ trước đến giờ của Venezuela (gấp 5 lần tờ mệnh giá cao nhất cũng mới được đưa vào lưu hành là 20.000 bolivar). Tuy nhiên, nó cũng chỉ đáng giá chưa đến 2,5 USD trên thị trường chợ đen.

Đây không phải là lần đầu tiên Venezuela đưa vào lưu thông các tờ tiền mệnh giá lớn hơn. Sau khi nền kinh tế sụp đổ vào năm 2016, lạm phát cao đã làm giá trị của đồng bolivar mất giá mạnh. Điều đáng nói ở đây là, chỉ cách đây chưa đầy một năm, tờ tiền có mệnh giá cao nhất của quốc gia dầu mỏ này chỉ là 100 bolivar.

>> Cầm chồng tiền đi mua sắm tại Venezuela

Vào tháng 12/2016, đồng tiền cao nhất 100 bolivar chỉ có giá trị khoảng 2 xu Mỹ (5.000 bolivar ăn 1 USD), đã được rút khỏi lưu thông với tuyên bố rằng “mafia quốc tế” đang cố gắng làm hại chính quyền xã hội chủ nghĩa bằng cách gom trữ tiền và chuyển sang biên giới qua Colombia, dẫn đến việc quốc gia này thiếu hụt tiền mặt.

Trên thực tế, nền kinh tế đã phơi bày nguyên nhân chính thực sự của việc thiếu hụt tiền là do lạm phát gia tăng chóng mặt tại Caracas, tốc độ in tiền không theo kịp mức độ gia tăng của lạm phát.

Chính quyền Maduro đã phải liên tục đưa vào lưu thông những tờ tiền với mệnh giá cao hơn như tờ 500, 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 và 20.000 bolivar.

Do đó, việc ra mắt đồng tiền mệnh giá mới 100.000 bolivar của Maduro lần này, có khả năng sẽ dẫn đến việc loại bỏ một số đồng tiền mệnh giá nhỏ hơn.

Điều này sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho người dân Venezuela, những người trung bình chỉ được phép rút khoảng 10.000 – 20.000 bolivar một ngày, tức là từ 3 – 6 USD/ngày theo tỷ giá thị trường chợ đen trong tháng 10. Tuy nhiên, trên thị trường hiện tại, 20.000 bolivar chỉ đáng giá khoảng 50 cent.

Một bữa ăn giá rẻ tại Caracas cũng đã là 30.000 bolivar, do đó, việc chi trả tiền ăn hàng ngày thôi cũng đã khiến người dân Venezuela phải vác theo cả bao tiền.

Mới đây, trong chương trình phát thanh quốc gia của mình, Maduro cũng đã công bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng tiền giấy trên cả nước. “Việc sử dụng tiền tệ vật lý đang được thay thế.”, ông nói.

Nhà lãnh đạo chế độ xã hội chủ nghĩa cũng tuyên bố tăng 30% lương tối thiểu hàng tháng lên mức mới 177.507 bolivar, tương đương với khoảng 4,3 USD trên thị trường chợ đen vào tháng 11/2017.

Khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử Venezuela

Cuộc khủng hoảng tại Venezuela bắt đầu trở nên trầm trọng hơn kể từ tháng 8/2017, khi Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh trừng phạt lên chính quyền Maduro, sau khi ông này triệu tập một hội đồng đặc biệt để sửa lại hiến pháp của Venezuela nhằm mở rộng quyền lực của chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Steve Mnuchin đã chỉ trích động thái này, gọi Maduro là một “nhà độc tài coi thường ý chí của người dân Venezuela,” và cho biết các biện pháp trừng phạt được sử dụng để cho thấy sự phản đối của Mỹ đối với các chính sách của chính quyền Maduro.

Caracs đang phải đương đầu với các khoản nợ gốc lẫn lãi đến hạn vào cuối tháng 10 (842 triệu USD) và 1,1 tỷ USD đến hạn vào 2/11. Chính quyền Maduro đã phát đi thông báo cơ cấu lại các khoản nợ của quốc gia, nhưng dự báo tình hình vẫn khó thay đổi, nguy cơ vỡ nợ vẫn đang treo lơ lững trên đỉnh đầu.

>> Venezuela – Ảo tưởng của nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa

Maduro đảm nhiệm vai trò tổng thống sau cái chết của Hugo Chavez vào tháng 3/2013. Lạm phát đã bắt đầu tăng lên vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Chavez vì bội chi cho các chương trình xã hội tốn kém. Đến năm 2013, chính phủ Maduro phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và thiếu lương thực.

Lạm phát tăng hơn 50% trong năm đầu tiên ông Maduro làm tổng thống, và theo dự báo của IMF, Venezuela sẽ chứng kiến mức lạm phát gần 2.300% vào cuối năm nay.

Siêu lạm phát tại quốc gia này đã khiến đồng tiền mất giá trầm trọng, khủng hoảng chính trị và tình cảnh thiếu lương thực, hàng hóa khiến những cuộc biểu tình ngày càng gay gắt chống lại chính quyền Maduro.

Các phương tiện truyền thông địa phương đã ước tính rằng, đã có hơn 100 người đã bị chết trong vụ đụng độ giữa cảnh sát và thường dân kể từ khi phản kháng nổ ra vào tháng 4/2017.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: