Theo định hướng phê duyệt, Vân Đồn sẽ được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp, giải trí có casino, du lịch biển – đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; cửa ngõ giao thương quốc tế…

vân đồn
Vân Đồn chính thức được phê duyệt thành trung tâm công nghiệp, giải trí có casino. (Ảnh: Jimmy Tran/Shutterstock)

Ngày 17/2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 226/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

Theo quyết định này, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên phạm vi nghiên cứu toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) với 2.171,33 km2. Trong đó, diện tích tự nhiên là 581,83 km2, diện tích vùng biển là 1.589,5 km2.

Vân Đồn sẽ được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp, giải trí có casino, du lịch biển – đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp.

Chính phủ sẽ phát triển Vân Đồn thành là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm “độc đáo, khác biệt, hiện đại, chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế”, ngoài ra, là đô thị biển đảo xanh, là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.

Không gian Khu kinh tế Vân Đồn được chia thành 2 vùng, gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải; định hướng thành 5 vành đai phát triển, gồm:

  • Vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp;
  • Vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên;
  • Vành đai đô thị dịch vụ, văn hoá và vui chơi giải trí (khu vực Đông đảo Cái Bầu);
  • Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực Tây đảo Cái Bầu);
  • Vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên, Quảng Ninh).

Theo quyết định đã được phê duyệt, Chính phủ dự báo đến năm 2030, Vân Đồn dân số khoảng 140.000-200.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 90.000-140.000 người.

Năm 2030, dự kiến nhu cầu đất sử dụng khu chức năng tại đây khoảng 5.500 ha; đến năm 2040, tăng lên 12.050 ha.

Theo phê duyệt, Thủ tướng giao việc điều chỉnh quy hoạch do UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện.

Các dự án ưu tiên đầu tư, xây dựng đợt đầu gồm: các dự án do trung ương đầu tư (xây dựng các hạ tầng kết nối như đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, quốc lộ 4B kéo dài, hệ thống cảng Bắc Cái Bầu); các dự án do tỉnh đầu tư; các dự án kêu gọi đầu tư như khu du lịch, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ…

Vân Đồn là một huyện đảo gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Đất nông nghiệp của toàn huyện rất hẹp, 1.242 ha (gần 600 ha đất trồng lúa và gần 100 ha cây ăn quả). Hoạt động kinh tế của Vân Ðồn chủ yếu là kinh tế biển và khai thác khoáng sản.

Năm 2007, Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Vân Đồn, quy hoạch thành một trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế.

Từ năm 2016, Chính phủ giao các bộ ngành và địa phương liên quan xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (thường gọi là Luật Đặc khu) cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Tuy nhiên, sau khi công bố, dự thảo luật vấp phải sự phản đối lớn từ công luận trước vị trí chiến lược về kinh tế, quân sự của các đặc khu, nhiều điều khoản ưu đãi đầu tư, trong đó có cho thuê đất 99 năm

Tháng 6/2018, Quốc hội lùi thời gian xem xét Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sang kỳ họp vào tháng 10/2018, sau đó tiếp tục lùi không xác định thời hạn.

Tháng 5/2019, trả lời câu hỏi của báo giới về kế hoạch xây dựng luật đối với Luật Đặc khu, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự án Luật Đặc khu, khi nào Chính phủ thấy “chín” thì sẽ trình Quốc hội.

Nguyễn Quân

Xem thêm: