Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề xuất tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong vài ngày tới (11 – 13/7), với khả năng cao đề xuất sẽ được thông qua.

gia xang tang
Xăng dầu đang trong cuộc chuẩn bị “âm thầm” để tăng giá? (Ảnh: Gia Bảo)

Nếu đề xuất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, mỗi lít xăng sẽ phải “cõng” thêm 1.000 đồng từ thuế bảo vệ môi trường kể từ ngày 1/10, nâng tỷ lệ thuế, phí chiếm trong mỗi lít xăng lên quá một nửa giá (hơn 55%), đưa Việt Nam vào Top những quốc gia có tỷ lệ thuế, phí chiếm trong 1 lít xăng cao nhất thế giới.

Còn nếu so sánh số tiền thuế phải trả trên mỗi lít xăng với mức thu nhập tương ứng của người dân, thì số tiền thuế xăng “ăn” vào thu nhập hằng ngày của Việt Nam cao gấp hàng trăm lần người Mỹ và hàng chục lần người của các quốc gia có nền kinh tế phát triển OECD.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu mức thuế bảo vệ môi trường tăng kịch trần có hiệu lực từ ngày 1/7 năm nay, sẽ bổ sung cho ngân sách hơn 57.000 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường, tăng khoảng 15.684 tỷ đồng mỗi năm.

Xem thêm: Giá xăng Việt Nam có thực sự thấp hơn nhiều nước?

Như vậy, tính trong gần 7 năm qua kể từ khi có hiệu lực, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã tăng hơn gấp 5 lần từ mức 11.100 tỷ đồng vào năm 2012 lên 57.000 tỷ đồng năm 2018. Tuy nhiên, tác động về giảm thiểu ô nhiễm môi trường lại chưa có đánh giá cụ thể, và hiệu quả sử dụng số tiền thu được từ thuế môi trường vẫn là một dấu hỏi lớn.

Bên cạnh đó, tình hình lạm phát đang tăng trở lại và chỉ số tiêu dùng tháng 6 tăng cao nhất trong 7 năm qua đang gây áp lực lớn lên nền kinh tế. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ kéo theo giá cả các mặt hàng khác tăng theo, qua đó đẩy giá cả cuối năm tăng mạnh, mục tiêu kìm giữ lạm phát dưới mức 4% có thể bị đổ vỡ.

Theo ước tính của bà Đỗ Thị Ngọc – Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, việc tăng thuế bảo vệ môi trường kịch khung đối với xăng dầu sẽ khiến CPI cuối năm tăng từ 0,27 – 0,29%.

Nguyễn Quân

Xem thêm: