Ngày 30/1, Bộ Công thương Việt Nam cho biết Ủy ban châu Âu tiếp tục đưa mì ăn liền và thanh long của Việt Nam vào diện kiểm tra tại cửa khẩu với tần suất kiểm tra 20% về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (tồn dư chất Ethylene Oxide – EO). Năm 2022 vừa qua, hàng loạt vụ thu hồi và tiêu hủy mì ăn liền có xuất xứ từ Việt Nam tại các thị trường nước ngoài do có chứa chất EO vượt mức quy định.

Dài loan tiêu huỷ mì việt nam mì gói việt nam chứa chất cấm 1711041637
Năm 2022, mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam bị nhiều quốc gia thu hồi và tiêu hủy vì chứa chất EO vượt mức. (Ảnh minh họa: Kit Leong/Shutterstock)

Theo thông tin của Bộ Công thương Việt Nam hôm 30/1, mì ăn liền và thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu sẽ tiếp tục bị kiểm tra tại cửa khẩu với tần suất tới 20%. Đây là thông báo của Ủy ban châu Âu quy định về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào thị trường thuộc khối Liên minh châu Âu (EU).

Theo thông báo mới, các mặt hàng gia vị vốn bị kiểm soát ở mức 50% như: Rau mùi, húng quế, bạc hà, mùi tây đã được đưa ra khỏi danh mục kiểm soát.

Tuy vậy, mặt hàng đậu bắp đã bị chuyển từ phụ lục I sang phụ lục II với yêu cầu chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam và tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu EU là 50%.

Bên cạnh đó, mặt hàng ớt vẫn còn nằm trong danh mục kiểm soát tại cửa khẩu của EU với tần suất kiểm soát chất lượng là 50%.

Trước đó, mặt hàng mì ăn liền xuất xứ từ Việt Nam đã vướng rất nhiều vụ thu hồi và tiêu hủy tại các thị trường như: Đài Loan, Ireland, Malta, Đức, Ba Lan, v.v… Đáng chú ý, vào tháng 7/2022, tờ Focus Taiwan từng đưa tin, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) cho biết một số lô hàng mì ăn liền từ Việt Nam đã bị các quan chức Hải quan Đài Loan thu giữ và tiêu hủy sau khi bị phát hiện có chứa thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng tại quốc gia này.

Cụ thể, các quan chức hải quan đã thu giữ các lô hàng tổng cộng 1.116 kg (hơn 1,1 tấn) được nhập khẩu bởi Công ty Simple Mart Retail từ Việt Nam. Số lô hàng này được phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong một gói gia vị bên trong một loại mì ăn liền (có tên là JINRO RAMENJ INRO) với hương vị thịt bò kiểu Hàn Quốc (chứa khoảng 63.729 phần triệu ppm dư lượng chất EO), TFDA Đài Loan cho biết.

Tới tháng 8/2022, TFDA (thuộc Bộ Y tế Đài Loan) tiếp tục thu giữ và tiêu hủy 1.440 kg (hơn 1,4 tấn) mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu từ Việt Nam thông qua Công ty Qianyu (Thiên Du). Cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện trong gói bột gia vị mì gói hương vị tôm chua cay của Omachi có chứa 0,195 mg/kg Ethylene Oxide.

Tháng 11/2022, Bộ Công thương Việt Nam cho biết Cơ quan TFDA lại công bố một lô hàng (khoảng 945 kg) mì ăn liền tôm chua cay nhãn hiệu Gấu Đỏ (tên tiếng Anh là SOUR-HOT SHRIMP FLAVOR INSTANT NOODLES) bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide (EO) ở Đài Loan.

Sản phẩm này của Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) và được một doanh nghiệp của Đài Loan nhập khẩu. Qua kiểm tra, cơ quan Đài Loan phát hiện tại cửa khẩu hàm lượng chất cấm không phù hợp tiêu chuẩn. Trong đó, hàm lượng Ethylene Oxide (EO) được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438mg/kg) mà còn phát hiện cả ở vắt mì (0,107mg/kg).

Những bệnh ung thư nào có liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylene Oxide?

Ung thư hạch và bệnh bạch cầu là những bệnh ung thư thường được báo cáo là có liên quan đến phơi nhiễm nghề nghiệp với Ethylene Oxide. Ung thư dạ dày và ung thư vú cũng có thể liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylene Oxide.

Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) xếp Ethylene Oxide vào loại chất gây đột biến và ung thư. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa Ethylene Oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm chất này trong một thời gian dài. Do đó, người sử dụng cần giảm thiểu việc tiếp xúc với Ethylene Oxide.

Tuấn Minh