Sau hơn 19 tháng ban hành, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định gỡ bỏ “lệnh cấm” phân lô, tách thửa trên địa bàn huyện Phú Quốc. Việc chính thức ban hành văn bản quy định sẽ thực hiện ngay sau khi Tỉnh ủy thống nhất theo đề xuất.

phú quốc, sốt đất, luật đặc khu
Một khu nghỉ dưỡng đang trong quá trình xây dựng tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh minh họa: ArtWell/Shutterstock)

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng vừa ra thông báo kết luận về việc giao các sở chuyên ngành tham mưu để trình xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận việc dỡ bỏ quy định tạm thời dừng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp có diện tích dưới 500m2 trên đảo Phú Quốc.

Quyết định này quy định cụ thể về diện tích, điều kiện tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất… nhằm kiểm soát tình trạng phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép, nhất là trên đất nông nghiệp.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận chấm dứt hiệu lực công văn 651 đã ban hành trước đó.

Công văn 651 được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng ban hành vào ngày 15/5/2019, tạm ngưng các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất tại huyện đảo Phú Quốc cho đến khi Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (thường gọi là Luật Đặc khu) được thông qua.

Quy định này được cho là để xử lý “tình huống” khi đất Phú Quốc bị “sốt giá” chưa từng có. Thời điểm giữa năm 2018, giá 1 công đất (1.000m2) nông nghiệp trên đảo Phú Quốc có giá từ 3-7 tỷ đồng tùy vị trí. Mức giá này cao gấp hàng chục lần so với giá trị thật khi bình thường.

Mặc dù quy định tạm dừng phân lô tách thửa làm tình trạng sốt đất Phú Quốc tạm lắng, thực tế, giá đất không hề giảm.

Tháng 4/2017, Chính phủ ra văn bản về việc xây dựng đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang). Theo Thanh tra Chính phủ, tính tới thời điểm cuối tháng 10/2017, tại huyện Phú Quốc có hàng trăm công trình của cá nhân, tổ chức thực hiện không đúng các quy định của pháp luật xây dựng. Tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng không phép, sai phép trên đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ qua nhiều năm, tiếp tục “băm nát” vùng đảo.

Sơn Nguyên

Xem thêm: