Các đáp trả thương mại Mỹ – Trung đang khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã có lúc phục hồi, thị trường châu Á vẫn chìm trong các cuộc tháo chạy khỏi thị trường. Câu hỏi khiến giới đầu tư quan tâm lúc này là cuộc căng thẳng thương mại sẽ đi đến đâu và Mỹ hay Trung Quốc mới là người điều khiển cuộc chơi. Thử cùng tìm hiểu bên dưới.

chiến tranh thương mại
Trump đe dọa áp thuế thêm lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Các đối tác thương mại lớn nhất của 2 quốc gia

Phân tích các đối tác và thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc (TQ) sẽ cho biết được các nước này đang phụ thuộc vào thị trường quốc gia nào nhất.

Top 10 nước đối tác lớn nhất mà Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa vào:

thi truong lon cua TQ
(Số liệu: WTEx | Đồ họa: Trí thức VN)

Top 10 đối tác lớn nhất của Trung Quốc chiếm khoảng 59% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu năm 2017 của nước này với hơn 1.300 tỷ USD. Trong đó, Mỹ là thị trường quan trọng nhất, chiếm đến 19% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương gần 432 tỷ USD.

Việt Nam cũng có vai trò quan trọng không kém khi là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 5 của Trung Quốc với hơn 72 tỷ USD trong năm qua, đồng thời là quốc gia có tốc độ nhập khẩu hàng hóa TQ tăng trưởng nhanh nhất với hơn 18%. Trong khi đó, Hồng Kông là nước duy nhất giảm nhập khẩu hàng hóa từ Đại Lục (-2,2%) trong năm 2017.

Top 10 nước đối tác lớn nhất mà Mỹ xuất khẩu hàng hóa vào:

thi truong lon cua My
(Số liệu: Bộ thương mại Mỹ | Đồ họa: Trí thức VN)

Trái ngược với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chủ lực của Mỹ đến từ Canada với gần 283 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trong năm 2017; và Mexico khoảng 243 tỷ USD, chiếm gần 16%.

10 thị trường trên chiếm tổng cộng gần 65% tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ trong năm 2017 với hơn 1.000 tỷ USD, và tất cả đều có tốc độ nhập khẩu hàng hóa Mỹ tăng trưởng cao từ 12,8% – 23,2%.

Trung Quốc cần Mỹ hơn

Trong danh sách các quốc gia mà Trung Quốc đạt được thặng dư thương mại thì Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất với gần 277 tỷ USD trong năm 2017, kế đến là Hồng Kông với gần 274 tỷ USD.

thi truong TQ co thang du
(Số liệu: WTEx | Đồ họa: Trí thức VN)

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Mỹ làm ăn khá cân bằng với các quốc gia khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa các nước đều tương đương nhau, điều này có thể thấy qua việc thị trường mà Mỹ đạt thặng thương mại lớn nhất trong năm qua là Hồng Kông cũng chỉ có hơn 32 tỷ USD và thấp xuống nữa cho đến Cộng hòa Dominica là nước Mỹ đạt thặng dư lớn thứ 10 cũng chỉ khoảng gần 3 tỷ USD. Mức thặng dư thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc.

thi truong My co thang du
(Số liệu: Bộ thương Mại Mỹ/ WTEx | Đồ họa: Trí thức VN)

Tổng mức thặng dư thương mại đối với Top 10 quốc gia (nêu trên) của Trung Quốc lên đến gần 787 tỷ USD, cho thấy sự phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu của nền kinh tế TQ, trong khi con số đó của Mỹ chỉ là 130 tỷ USD. Do đó, một khi có chiến tranh thương mại, các nước ngừng giao thương thì Trung Quốc là nước chịu thiệt nhất.

Ngược lại, nền kinh tế Mỹ không phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, do đó sẽ là nước ít bị biến động về kinh tế hơn nếu chiến tranh thương mại xảy ra.

Chưa kể, trong quan hệ giao thương Mỹ – Trung, Trung Quốc là nước cần Mỹ hơn với thị trường xuất siêu quy mô hơn 325 triệu dân Mỹ. Trong khi nếu ngừng giao thương với Trung Quốc, thậm chí Mỹ còn là nước có lợi hơn khi giảm được khoản thâm hụt hàng trăm tỷ USD mỗi năm với Trung Quốc.

Các mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trên thế giới

Từ góc nhìn này sẽ cho chúng ta thấy được mặt hàng nào đang được thế giới tiêu thụ nhiều nhất, mang lại giá trị lớn cho quốc gia xuất khẩu và những quốc gia đó là quốc gia nào, Mỹ và Trung Quốc đang đứng ở đâu trong các lĩnh vực “hái ra tiền” của thế giới?

10 mat hang nhap khau nhieu nhat
(Số liệu: WTEx | Đồ họa: Trí thức VN)

Số liệu từ WTEx cho thấy đa số các mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất thuộc nhóm dầu khí, xe hơi, điện tử và vàng thô. Trong số những mặt hàng này, Mỹ và các quốc gia châu Âu là những nước đi đầu, nắm các bí quyết công nghệ cũng như là nhà xuất khẩu hàng đầu chứ không phải Trung Quốc. Điều này càng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào chi phí nhân công rẻ trước đây để thực hiện chiến lược xuất khẩu giá rẻ, trong khi những mặt hàng có giá trị kinh tế cao đều đang do các quốc gia khác nắm giữ.

Mỹ và châu Âu đang nắm giữ ‘phần ngọn’

Chẳng hạn, đối với ngành xe hơi, Đức là nước nổi tiếng về ngành sản xuất xe hơi, do đó không lạ gì khi Đức đứng đầu về xuất khẩu với hơn 157 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng lượng xe hơi xuất khẩu toàn cầu; xếp thứ hai là Nhật Bản với 93,4 tỷ USD và Mỹ đứng thứ 3 với gần 54 tỷ USD. Trung Quốc không có “chân” trong ngành này.

Với ngành xe tải, Mỹ là nhà xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mexico, xếp trên Đức và Nhật Bản, trong khi Trung Quốc chỉ xếp thứ 12.

Hay như ngành khí hóa lỏng là mặt hàng được nhập khẩu nhiều thứ 9 trên thế giới, ba quốc gia gồm: Qatar, Na Uy và Mỹ chia nhau các vị trí nhà xuất khẩu hàng đầu. Trung Quốc không có tên trong danh sách những nước xuất khẩu khí hóa lỏng hàng đầu thế giới.

Điều tương tự cũng xảy ra trong các ngành đặc thù và yêu cầu trình độ kỹ thuật cao như: ngành sản xuất trực thăng (Mỹ xếp thứ 3); các bộ phận máy bay (Mỹ xếp thứ 5, Trung Quốc thứ 12); ngành chế biến dầu mỏ (Mỹ đứng đầu, TQ đứng thứ 8); ngành sản xuất thuốc viên (Mỹ xếp thứ 6, các nước châu Âu chia sẻ các vị trí top đầu)…

Về ngành linh kiện máy tính, Trung Quốc hiếm hoi được xếp hàng đầu khi nắm giữ 26,6% thị phần, nhưng đây lại không phải là ngành có giá trị gia tăng cao trên thế giới (không thuộc danh sách trên) nếu không muốn nói là đã đi vào thoái trào sau khi phong trào điện thoại di động và điện thoại thông minh lên ngôi, các nhà sản xuất máy tính có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang Trung Quốc một phần để tiết giảm chi phí, một phần để “thanh lý” các công nghệ sản xuất lạc hậu.

Từ các con số thống kê nêu trên, có thể thấy nền kinh tế quy mô lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc vốn chỉ là “cỗ máy” gia công cho thế giới dựa vào nhân công giá rẻ và tài nguyên. Với bản chất dựa trên lợi thế kinh tế quy mô nên rất cần sản xuất sản phẩm đại trà với số lượng lớn, do đó rất phụ thuộc vào xuất khẩu. Một khi có chiến tranh thương mại, cổ máy đó trở nên rất dễ bị tổn thương vì không có nơi tiêu thụ hàng hóa.

Phía bên kia của cuộc đáp trả thương mại là Mỹ – quốc gia hiện đang nắm giữ các bí quyết công nghệ trong các lĩnh vực then chốt và có nhu cầu cao của thế giới (như phân tích ở trên), cùng với các quốc gia đầu tầu châu Âu đang là các quốc gia đi đầu trong phát triển công nghệ và nắm tay lái nền kinh tế toàn cầu.

Chân Hồ

Xem thêm: