Tổng lượng khẩu trang xuất khẩu trong 19 ngày đầu tháng 4 chiếm 21% về số lượng song chiếm gần 54% về giá trị xuất khẩu mặt hàng này tính từ đầu năm. 

khau trang y te
Khẩu trang y tế trở thành mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Hình ảnh tại Bệnh viện Việt Pháp, ngày 1/4/2020. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Theo số liệu thống kê do Tổng cục Hải quan đưa ra chiều 29/4, từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang xuất khẩu là 415,7 triệu chiếc trị giá 63,19 triệu USD.

Tính riêng trong tháng 4 (đến ngày 19/4/2020), tổng lượng khẩu trang xuất khẩu là 88,19 triệu chiếc, trị giá 34 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, khẩu trang vải 100% cotton, khẩu trang 2 lớp vải cotton. Trong đó khoảng 36,88 triệu chiếc xuất theo loại hình, xuất gia công và khoảng 51,3 triệu chiếc xuất kinh doanh, xuất khẩu không nhằm mục đích thương mại (biếu, tặng,…).

Khẩu trang được xuất đi nhiều nhất đến Nhật Bản (32,7 triệu chiếc). Sau đó lần lượt là Hàn Quốc (17,1 triệu chiếc), Đức (11,1 triệu chiếc), Mỹ (10,4 triệu chiếc), Hồng Kông (4,1 triệu chiếc), Singapo (1,8 triệu chiếc), Ba Lan (1,5 triệu chiếc), Australia (1,5 triệu chiếc), Trung Quốc (1,5 triệu chiếc), Lào (1,2 triệu chiếc), Nam Phi (1,1 triệu chiếc)…

Cũng trong ngày 29/4, Tổng cục Hải quan thông báo xuất khẩu khẩu trang y tế trở lại bình thường, người khai không phải nộp hoặc xuất trình giấy phép xuất khẩu khi làm thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế sau 2 tháng áp dụng quy định cấp phép.

Trước đó, trong hai tháng đầu năm, khẩu trang Việt Nam được xuất khẩu dồn dập sang Trung Quốc theo đường bộ, đường không… Riêng lượng xuất khẩu khẩu trang trong tháng 1 cao hơn 260% trung bình cả năm 2019. Từ ngày 28/2, Chính phủ yêu cầu xuất khẩu khẩu trang y tế phải có giấy phép. Một số quốc gia đã áp dụng lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang hoặc nguyên liệu sản xuất khẩu trang như Hàn Quốc, Indonesia (đầu tháng 3), Mỹ (đầu tháng 4)… để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Đối với việc đảm bảo nguồn cung khẩu trang trong nước, trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Y tế đề xuất chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế nếu đã bán hoặc có văn bản thỏa thuận hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong nước tối thiểu 20% số lượng khẩu trang dự kiến xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp chỉ được xuất khẩu bằng 5 lần số lượng khẩu trang đã bán cho cơ sở y tế trong nước.

Tuy nhiên, Bộ Công thương góp ý quy định này khó thực hiện, vì không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ký được hợp đồng bán khẩu trang cho các cơ sở y tế trong nước trong thời gian ngắn, chưa kể trường hợp các cơ sở y tế trong nước không có nhu cầu mua hoặc chỉ mua với một số lượng rất nhỏ. Con số 20% lượng khẩu trang xuất khẩu hỗ trợ cho  cơ sở y tế trong nước cũng là quá cao.

Được biết, hiện Bộ Y tế đã chỉ định thầu, ký hợp đồng mua khoảng 46,15 triệu khẩu trang y tế (tổng số cần mua là 60 triệu chiếc), 268 ngàn khẩu trang N95, 234 ngàn bộ trang phục chống dịch cấp độ 1-2, và 90 ngàn bộ trang phục chống dịch cấp độ 3-4.

Theo thống kê của Bộ Công thương, cả nước có 47 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, năng suất tối đa 25,5 triệu chiếc/ngày trong trường hợp đủ nguyên liệu sản xuất.

Nguyễn Quân