Dự kiến khoảng 16.200 tỷ đồng được chi để thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng bắt đầu từ ngày 1/7/2019.

tang luong co so
Hiện cả nước có 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, bao gồm cả các đối tượng chính sách (chiếm 11,5% dân số). Trong ảnh, các cán bộ, công chức, viên chức huyện Quốc Oai (Hà Nội) họp đầu tháng 5/2018. (Ảnh minh họa/quocoai.hanoi.gov.vn)

Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo về ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết phương án phân bổ dự toán ngân sách Trung ương 2019 là 1.411.300 tỷ đồng (báo cáo trên cơ sở dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2019).

Dự toán bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỷ đồng. Dự toán tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng.

Dự kiến khoảng 16.200 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương trên cơ sở điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng bắt đầu từ ngày 1/7/2019.

Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng thời điểm và cùng mức tăng với lương cơ sở (7%).

Thẩm tra sơ kết ba năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (2016 – 2020), đại diện Ủy ban Tài chính – Ngân sách – Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết hiện việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng lương trong các năm gần đây chưa có lộ trình cụ thể, đã tạo áp lực lớn cho cân đối ngân sách nhà nước. Việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập – báo cáo của cơ quan thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho biết theo số liệu báo cáo của Chính phủ, sau 3 năm việc tinh giản biên chế mới đạt 1,09%, là thấp so với mức tối thiểu 10% đến năm 2021.

Mức lương cơ sở là mức lương làm căn cứ tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… (khối hưởng lương ngân sách). Đây cũng là cơ sở để tính thang lương, bảng lương, các mức phụ cấp, mức hoạt động phí, các khoản trích và chế độ được hưởng của nhóm đối tượng này.

Trong 14 năm, từ ngày 1/10/2004 đến ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở được điều chỉnh 12 lần, từ 290.000 đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Theo lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ, từ năm 2018 đến 2020, Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở. Mục tiêu đến năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 2610 ngày 21/12/2017 của Bộ Tài chính, năm 2018, dự toán chi thường xuyên (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) là hơn 976,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng chi ngân sách nhà nước, thấp hơn dự toán năm 2017 (64,9%).

Nguyễn Quân

Xem thêm: