Trong dịch virus corona, game về một căn bệnh truyền nhiễm giết chết người trên toàn thế giới, “Plague Inc”, đang là ứng dụng bán chạy nhất ở Trung Quốc. 

game trung quoc
Các bộ trò chơi điện tử đang được phát hành tại Trung Quốc, Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, ngày 19/2/2020. (Ảnh: Inaki Pierola/Shutterstock)

Trong 5 năm trở lại, Trung Quốc nổi lên là thị trường xuất khẩu video game lớn nhất toàn cầu. Cứ 100 game thì có đến gần 50 game có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo thống kê vừa được công bố bởi World’s Top Exports, tổng giá trị xuất khẩu máy chơi game video và các thiết bị liên quan trên toàn thế giới đạt 24,4 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2018. Tăng 2% so với năm 2017, và tăng hơn 60% so với thời điểm năm 2014 khi trò chơi video được xuất khẩu với trị giá 15,2 tỷ USD.

Trong số các châu lục, châu Á có trò chơi video xuất khẩu trị giá cao nhất, đạt 15,6 tỷ USD, tương đương gần 64% tổng doanh số toàn cầu. Ở vị trí thứ hai là các nhà xuất khẩu châu Âu ở mức 30,4%, trong khi 5,5% các lô hàng trò chơi video trên toàn thế giới có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. 

Xét theo thể loại, các trò chơi video yêu cầu người chơi trả tiền mua có trị giá vào khoảng 4,3 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2017. Trong đó, Mỹ chiếm 25% tổng doanh số, Áo xếp thứ hai với 14,4%, Trung Quốc (10,7%), Cộng hòa Séc (6,3%), Hồng Kông và Vương quốc Anh cùng 4,9%, Đức (4%), Bulgaria (3,8%), Mexico (3,4 %) và Slovenia (3,2%).

Đối với các thể loại trò chơi video miễn phí, Trung Quốc là nhà phát hành game dẫn đầu với 11 tỷ USD, chiếm gần một nửa số lượng game online toàn cầu (45,2%). Kế đến là Hà Lan: 2,4 tỷ USD (chiếm 9,7%); Nhật Bản: 2,3 tỷ USD (9,4%); Hồng Kông: 2,1 tỷ USD (8.4%); Ba Lan: 1,5 tỷ USD (6,1%); Đức: 1,4 tỷ USD (5,8%); Mỹ: 1,1 tỷ USD (4,5%).

Trung Quốc cũng là nước có xuất khẩu ròng game video lớn nhất với 10,7 tỷ USD, tăng 98,4% kể từ năm 2014. Hồng Kông tăng tới 214% đạt gần 183 triệu USD. Việt Nam cũng góp mặt ở vị trí thứ 5 trong danh sách, với giá trị xuất khẩu ròng game video đạt 43,6 triệu USD trong năm 2018.

Các nhà xuất khẩu trò chơi tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2014 có thể kể đến: Tây Ban Nha (tăng 626,5%), Ba Lan (tăng 375%), Hồng Kông (tăng 340,9%) và Slovakia (tăng 228,3%).

Những quốc gia có doanh số giảm bao gồm: Singapore (giảm -52,4%), Anh (giảm -37,4%), Mexico (giảm -32,5%), Mỹ (giảm -22,8%) và Hà Lan (giảm -21,4%).

Công ty sản xuất chương trình game lớn nhất của Trung Quốc là NetEase – do tỷ phú Đinh Lôi (đứng thứ 79 Forbes với tổng tài sản 15,3 tỷ USD) –  thành lập năm 1997 tại thành phố Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc.

Trong bối cảnh dịch bệnh virus corona đang bùng phát và lây lan dữ dội, người dân Trung Quốc hạn chế ra đường và có xu hướng sử dụng nhiều thời gian hơn cho các ứng dụng trò chơi video trực tuyến.

Theo đó, chương trình game trên nền tảng di động của Tencent, “Honor of Kings”, đã đạt số lượng người dùng trung bình trong ngày cao kỷ lục vào tuần cuối tháng 1/2020.

Cùng với đó, một trò chơi video về một căn bệnh truyền nhiễm giết chết người trên toàn thế giới được phát hành năm 2012, “Plague Inc”, hiện cũng đang là ứng dụng bán chạy nhất ở Trung Quốc, và cũng đã đạt đỉnh tại bảng xếp hạng ở Anh và Mỹ, theo The Guardian.

Tú Mỹ

Xem thêm: