Trung Quốc đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng năm 2017, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải thúc đẩy chương trình cải cách đầy thách thức nhằm giải quyết bong bóng nợ và dựng “tường lửa” ngăn chặn các rủi ro tài chính.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Theo tin từ Reuters, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đọc báo cáo của Chính phủ trong lễ khai mạc kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3, trong đó nêu rõ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm 2017 – thấp hơn mức 6,7% của năm 2016.

Tăng trưởng nhờ vào cung tín dụng ồ ạt, đầu cơ bất động sản (BĐS) và đầu tư công, Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro lớn về kinh tế – tài chính

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% hồi năm ngoái, và thực tế GDP tăng 6,7%. Mức tăng dù rất “khiêm tốn” so với giai đoạn trước đây nhưng tốt hơn nhiều so với kỳ vọng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này khá rủi ro bởi dựa vào lượng vốn tín dụng ngân hàng cao kỷ lục, bùng nổ đầu cơ nhà đất và đầu tư công với khối lượng khổng lồ.

Tuy nhiên, tăng trưởng bất chấp rủi ro không phải là một lựa chọn tốt khi nguy cơ vỡ bong bóng BĐS, bong bóng nợ ngày một lớn. Thực tế, các bất ổn vĩ mô nói chung và rủi ro hiện hữu của hệ thống tài chính Trung Quốc nói riêng khiến dòng vốn ngoại ráo riết tháo chạy khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh, dưới 3.000 tỷ USD; mức được coi là rủi ro cao khi tính toán theo một số chỉ tiêu về an toàn dự trữ ngoại hối mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo.

Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo năm 2017, đồng Nhân dân tệ (CNY) có thể tiếp tục mất giá đến 5%. Quan trọng hơn, bong bóng BĐS và nợ xấu có thể dẫn đến rủi ro đổ vỡ hàng loạt định chế tài chính và doanh nghiệp; gây nên những hỗn loạn khó lường về kinh tế – chính trị – xã hội bởi các con số về tăng trưởng và hệ thống tài chính của quốc gia này luôn được các nhà quan sát quốc tế cho là không xác thực.

>> Học giả Trung Quốc: Ba vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc

Chính phủ ráo riết tái cơ cấu nền kinh tế thông qua cắt giảm tín dụng, giảm dư cung sản xuất, hạ sốt thị trường BĐS

Mặc dù chính sách tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc hướng trọng tâm vào cắt giảm dư cung sản xuất, thắt chặt tín dụng và hạ sốt thị trường BĐS là hết sức quan trọng và thiết yếu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là tăng trưởng thấp đi; ít nhất là trong ngắn và trung hạn. Bởi Trung Quốc vẫn chưa phải là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu (hàm lượng đóng góp của tri thức và công nghệ vào tăng trưởng GDP).

(Ảnh: Shutterstock)
Bong bóng BĐS và nợ xấu có thể dẫn đến rủi ro đổ vỡ hàng loạt định chế tài chính và doanh nghiệp… (Ảnh: Shutterstock)

Trong ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ phải phụ thuộc hơn vào tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân. Cũng giống năm 2016, Trung Quốc đã không đặt ra mục tiêu cho xuất khẩu do cầu thế giới còn thấp và bất định.

“Những diễn biến trong và ngoài nước đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng đối mặt với tình huống phức tạp và nghiêm trọng hơn,” Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay. Ông cũng nói thêm rằng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn chậm, trong khi toàn cầu hóa giảm và chủ nghĩa bảo hộ lại gia tăng.

Mức tăng trưởng khoảng 6,5% là đủ để đảm bảo an toàn cho thị trường việc làm, ông Huang Shouhong, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu của Quốc vụ viện nhận định.

Theo báo cáo của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc đã bổ sung thêm 13,34 triệu việc làm ở đô thị mới trong năm 2016, đây cũng là năm mà số lượng sinh viên tốt nghiệp đi tìm việc cũng như các doanh nghiệp mới mở ra ở mức kỷ lục.

“Còn về việc mục tiêu mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ cần đảm bảo không có vấn đề với thị trường việc làm, thì tăng trưởng kinh tế cao hay thấp hơn một chút vẫn ở mức chấp nhận được,” ông Huang nói.

Mức tăng trưởng cung tiền giảm 1% – Có đủ để hạ nhiệt cơn sốt tín dụng?

Để hạ nhiệt cơn sốt BĐS và tín dụng, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm tăng trưởng cung tiền xuống còn 12% trong năm 2017 so với mức 13% của năm 2016. Mục tiêu thâm hụt ngân sách của Chính phủ vẫn giữ nguyên mức 3% GDP (khoảng 345 tỷ USD).

Ông Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động và tiền tệ thận trọng, tiếp tục cải cách tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ. Chính phủ nước này sẽ cắt giảm thuế khoảng 350 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 51 tỷ USD, cho các doanh nghiệp trong năm nay.

Tuy nhiên, 1% cắt giảm cung tiền dường như là con số hết sức khiêm tốn để có thể hạ nhiệt cung tín dụng lớn và cho tới nay chưa có dấu hiệu tiết giảm. Năm 2016, với mức tăng trưởng cung tiền 13%, các ngân hàng Trung Quốc mở rộng tín dụng ở mức kỷ lục 12,65 nghìn tỷ CNY; chỉ tính riêng tháng 1 năm nay, lượng tín dụng cung vào nền kinh tế lập thêm kỷ lục với  2,03 nghìn tỷ CNY.

(Ảnh: Shutterstock)
Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm tăng trưởng cung tiền xuống còn 12% trong năm 2017. (Ảnh: Shutterstock)

Trung Quốc cũng sẽ nhấn mạnh vào chứng khoán hóa tài sản và các giao dịch trên nợ trên vốn chủ sở hữu trong năm 2017. Tuy nhiên, động thái chính sách này của Trung Quốc có thể không phải nhằm vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa sản phẩm của thị trường chứng khoán, mà chỉ đơn giản là hợp thức hóa tài sản “độc hại” trong bảng cân đối của các định chế tài chính.

Thực tế, trong thời gian qua, Trung Quốc đã lặng lẽ thực hiện chương trình “chứng khoán hóa nợ xấu”; các khoản nợ xấu (tài sản độc hại) không thể xử lý được chuyển thành chứng khoán (hàng hóa, tài sản vốn), bán qua lại lẫn nhau giữa các định chế trong hệ thống. Chương trình này khiến nợ xấu dường như biến mất khỏi hệ thống ngân hàng (trên sổ sách) nhưng thực tế vẫn nằm im trong hệ thống, lan tỏa rủi ro mạnh mẽ hơn; đặc biệt về thanh khoản và chất lượng tài sản.

Triệt để xử lý các doanh nghiệp “thây ma” và tái cấu trúc DNNN

Năm 2017, Trung Quốc cam kết tiếp tục thúc đẩy cải tổ doanh nghiệp nhà nước. Việc cải tổ quyền sở hữu tại hơn 100 doanh nghiệp quốc doanh do Trung ương quản lý sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Trung Quốc sẽ mạnh tay hơn trong việc đóng cửa các doanh nghiệp “thây ma” – những công ty quốc doanh dư thừa công suất, làm ăn kém hiệu quả.

Cũng trong một báo cáo hôm Chủ nhật, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) cho biết, họ sẽ đóng cửa hoặc ngừng xây dựng các nhà máy điện sử dụng than đốt có công suất lớn hơn 50 triệu KW.

Theo các kế hoạch kinh tế đề ra, Trung Quốc cũng sẽ cắt giảm công suất thép và sản lượng than trong năm nay, dự kiến cắt giảm khoảng 50 triệu tấn sản lượng thép và ít nhất 150 triệu tấn sản lượng than đá.

Đầu tư tài sản cố định dự kiến sẽ tăng khoảng 9% vào năm 2017, giảm so với mục tiêu năm ngoái là 10,5 %.

Ở các lĩnh vực bị cắt giảm có nguy cơ dư thừa lao động, ông Lý Khắc Cường cũng nêu rõ cần hỗ trợ cho những người lao động bị sa thải và mục tiêu trong năm nay là tăng thêm 1 triệu việc làm đô thị so với năm 2016. Như vậy thì mục tiêu là sẽ tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới tại các khu vực đô thị. Năm ngoái, có 13,14 triệu việc làm mới được tạo ra tại các thành phố nước này so với mục tiêu đề ra là tạo thêm 10 triệu việc làm (số liệu công bố của Chính phủ Trung Quốc).

Minh Ngọc

Xem thêm: