Hiện Trung Quốc đang dẫn đầu về vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đăng ký mở mới vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD để thực hiện 187 dự án.

trung quoc von FDI
Trung Quốc sẽ xây nhà máy sản xuất lốp ở Tây Ninh, Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD, đây là dự án đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Tổng vốn FDI đăng ký tăng 81% so với cùng kỳ 

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo chi tiết về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo báo cáo, tính đến ngày 20/4/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 4 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây (năm 2016 đạt 7,5 tỷ USD, năm 2017 đạt 10,6 tỷ USD và năm 2018 đạt 8 tỷ USD).

Ngoài phần điều chỉnh vốn giảm hơn so với cùng kỳ thì vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở 2 hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần.

Cụ thể, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.

Về vốn cấp mới, tính đến ngày 20/4, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.

Về vốn thực hiện, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính lũy kế đến ngày 20/4/2019, cả nước có 28.398 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 349 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 197 tỷ USD, bằng 56,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ hai là kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng về mặt giá trị song lại giảm về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2018 (4 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu kể cả dầu thô tăng 18,9%; xuất khẩu không kể dầu thô tăng 20,3%).

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 55,42 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 70,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 54,68 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu.

Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 42,3 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 58% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2019, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,17 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 10,5 tỷ USD không kể dầu thô.

Trung Quốc dẫn đầu các nước có vốn đăng ký mới lớn nhất 

Về đối tác đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết hiện có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Tiếp đến là Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc với 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 11% tổng vốn đầu tư. Lượng vốn Trung Quốc trong 4 tháng bằng 70% mức thu hút từ các doanh nghiệp nước này trong cả năm 2018.

Trong cơ cấu vốn đăng ký, sau 4 tháng qua, Trung Quốc đang dẫn đầu về số vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam với 1,315 tỷ USD để thực hiện 187 dự án.

Một số dự án lớn trong 4 tháng đầu năm của các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam như Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Tây Ninh) của Liên doanh Công ty Cooper Tire & Rubber Holding Việt Nam (LLC) và Công ty TNHH Sailun Việt Nam (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD (đây là dự án đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm); Dự án Nhà máy số 2 Sản xuất cỏ nhân tạo (Tây Ninh) của Công ty TNHH Cocreation Grass Corporation Việt Nam (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký là 40 triệu USD; Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam (Tiền Giang) của Guizhou Advance Type Investment co.,ltd, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD…

Singapore đứng thứ hai với vốn đăng ký mới 700 triệu USD, Hàn Quốc 693 triệu USD, Hồng Kông 690 triệu USD, Nhật Bản 615 triệu USD…

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm né tránh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và đón đầu hiệp định CPTPP (Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1/2019). Vốn của Trung Quốc vào Việt Nam phần nhiều qua chỉ định thầu, dưới hình thức cho vay, cấp vốn đầu tư cho các dự án về hạ tầng, giao thông, năng lượng…, một phần nhỏ đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo.

“Dòng vốn từ Trung Quốc ngoài những tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước”, theo VEPR.

Lũy kế đến ngày 20/4, số dự án còn hiệu lực của Trung Quốc là hơn 2.300 dự án với tổng số vốn 14,86 tỷ USD, đứng thứ 7 trong 131 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Đứng đầu là Hàn Quốc với 7.745 dự án, tổng vốn đầu tư 64.306 tỷ USD.

Nguyễn Quân

Xem thêm: